Ai nói hói đầu và rụng tóc chỉ xảy ra với nam giới? Đây cũng là nỗi lo của không ít chị em. Khi bạn già đi, căng thẳng gia tăng và lịch trình làm việc không đều đặn, hãy cẩn thận khi thấy đường chân tóc ngày càng cao, kéo lùi về phía sau, khiến trán trông như hói.
Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng quá nhiều. Các vấn đề về đường chân tóc bị kéo cao không phải là không thể cải thiện. Với kỹ thuật chăm sóc da đầu và chăm sóc tóc đúng cách, bạn có thể trì hoãn quá trình rụng tóc và thậm chí còn giúp tóc phát triển. Nếu bạn cũng đang băn khoăn về việc “đường chân tóc ngày càng cao thì phải làm sao?”, bài viết này sẽ bật mí 5 bí quyết “tự cứu" mái tóc của bạn trước khi quá muộn.
1. Không buộc tóc quá chặt
Nhiều chị em chắc hẳn đã biết rằng nếu buộc tóc đuôi ngựa, tết tóc hoặc búi quá chặt sẽ gây áp lực lên da đầu và kéo chân tóc về phía sau. Khi da đầu bị kéo căng lâu ngày sẽ khiến nang tóc không thể hấp thụ chất dinh dưỡng hoặc gây tổn thương nang tóc, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc, trường hợp nặng sẽ gây rụng tóc vĩnh viễn. Vì vậy, nếu không quá vướng víu hay cần thiết, bạn nên chọn kiểu tóc buông xõa hoặc buộc tóc thấp và lỏng, đồng thời cho da đầu và tóc có nhiều thời gian thư giãn nhất có thể.
2. Hạn chế để tóc tiếp xúc nhiều với nhiệt độ cao và hóa chất
Việc nhuộm, uốn, tẩy tóc thường xuyên hoặc sử dụng lâu dài các dụng cụ tạo kiểu tóc ở nhiệt độ cao khác sẽ khiến tóc mất đi độ ẩm và trở nên giòn, dễ gãy, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sự nguyên vẹn của chân tóc. Khi da đầu bị tác động bởi không khí nóng thường xuyên có thể gây tổn thương nang tóc và ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc.
Nên chọn chế độ nhiệt độ thấp khi sử dụng máy sấy tóc và giữ khoảng cách khoảng 15-20 cm. Ngoài ra, chị em cũng nên hạn chế thay đổi tóc nhuộm liên tục. Sản phẩm nhuộm tóc có chứa thành phần thuốc nhuộm, có thể gây kích ứng da đầu, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của nang tóc mà sử dụng lâu dài còn có thể khiến nang tóc co lại hoặc hoại tử, không nên coi thường những tổn thương gây ra.
3. Massage da đầu
Massage da đầu không chỉ giúp thư giãn cơ thể và tinh thần mà còn đóng vai trò tích cực trong việc trì hoãn tình trạng chân tóc bị thoái hóa. Massage đúng cách có thể giúp đánh thức các nang tóc không hoạt động, kích thích lưu lượng máu cục bộ, cải thiện việc cung cấp oxy và hấp thụ chất dinh dưỡng cho nang tóc, từ đó làm tăng mật độ tóc và ổn định đường chân tóc. Massage da đầu còn có tác dụng giải tỏa căng thẳng, làm dịu da đầu căng cứng một cách hiệu quả và tránh ảnh hưởng đến chức năng bình thường của nang tóc.
4. Tránh gội đầu mỗi ngày
Việc làm sạch quá mức sẽ loại bỏ lớp dầu tự nhiên khỏi da đầu, dẫn đến da đầu và tóc dần khô hơn. Mặc dù không có đáp án tiêu chuẩn về việc bạn nên gội đầu bao nhiêu lần trong một tuần, nhưng bạn có thể dựa theo tình trạng da đầu và chất lượng tóc mà có tần suất gội phù hợp.
Những người có da đầu khô nên gội đầu 2 đến 3 ngày một lần; những người có da đầu nhờn có thể gội đầu hàng ngày vào mùa hè, nhưng vào mùa thu và mùa đông, có thể thay đổi thành hai ngày một lần.
5. Phát triển thói quen gội đầu đúng cách
Ngoài tần suất gội đầu mỗi tuần, nếu muốn trì hoãn tình trạng chân tóc bị thoái hóa, điều quan trọng hơn là bạn phải duy trì thói quen gội đầu đúng cách. Trước hết, bạn cần chọn loại dầu gội dịu nhẹ và tránh chứa silicone hoặc quá nhiều thành phần hóa học để giảm kích ứng da đầu. Khi gội đầu, tránh dùng nước quá nóng vì nước nóng sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da đầu, khiến tóc khô hơn. Trong quá trình gội đầu, bạn có thể dùng đầu ngón tay massage nhẹ nhàng da đầu, điều này sẽ giúp da đầu bớt căng cứng và nang tóc luôn khỏe mạnh.