Đối thủ nội địa sẽ "lật đổ" Grab?

Miếng bánh béo bở của thị trường gọi xe công nghệ hiện nay chia cho 3 "ông lớn" gồm Xanh SM, Grab và Be.

Trong khi Gojek lặng lẽ rời Việt Nam sau hơn 5 năm hoạt động không thật sự hiệu quả thì Be ngày càng lớn mạnh và tân binh Xanh SM có khả năng phủ thị trường khá nhanh.

Hãng xe nội tăng tốc

Thống kê của Mordor Intelligence cho thấy chỉ 7 tháng sau khi ra mắt vào tháng 4-2023, Xanh SM đã chiếm lĩnh 20% thị phần gọi xe công nghệ. Báo cáo "The Connected Consumer" quý I/2024 của Decision Lab cũng ghi nhận Xanh SM nằm trong tốp 2 ứng dụng gọi xe công nghệ được yêu thích tại Việt Nam, chiếm hơn 32% tỉ lệ thâm nhập thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc GSM toàn cầu (đơn vị quản lý, vận hành Xanh SM), cho hay mục tiêu ban đầu của GSM là có mặt tại 5 tỉnh, thành trong năm 2023, nhưng sau 1 năm 4 tháng đã có mặt tại 54 tỉnh, thành. Đến tháng 9-2024, mạng lưới Xanh SM có hơn 80.000 xe đang lưu hành, bao gồm xe máy điện, ô tô điện và xe của đối tác. Số lượng khách hàng đã sử dụng dịch vụ của Xanh SM lên tới gần 150 triệu lượt.

Xanh SM chỉ sau 1 năm rưỡi hiện diện đã nhanh chóng chiếm được thị phần đáng kể

Theo TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp và điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore), Xanh SM có thế mạnh xe mới, sạch sẽ và là giải pháp vận tải xanh giúp giảm ô nhiễm môi trường. Hãng xe này còn thu hút tài xế bởi các chế độ lương, thưởng và phúc lợi khác, đồng thời có chính sách miễn phí sạc pin xe điện. "Trong tương lai không xa, Xanh SM có thể "lật đổ" Grab để đứng đầu thị trường" - TS Lê Hồng Hiệp nhận định.

Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me đưa ra số liệu đến giữa năm nay, Grab vẫn dẫn đầu thị phần gọi xe tại Việt Nam với 42% nhưng đã sụt giảm rất mạnh so với thị phần 70% trước đó. Trong khi đó, Be chiếm đến 32% thị phần và tăng đáng kể số lượng tài xế đăng ký mới sau khi Gojek tuyên bố rời thị trường. Số lượng tài xế đăng ký mới của Be mỗi ngày tăng khoảng 50% so với trước đây, trong đó có khoảng 30%-35% tài xế là từ Gojek chuyển qua.

Đại diện Be cho rằng còn rất nhiều không gian để tiếp tục đổi mới, tăng tính năng nhằm phục vụ người dùng tốt, đa dạng và kinh tế hơn. Mấu chốt là cần có nguồn lực, năng lực và chiến lược vận hành lâu dài để theo đuổi định hướng này. Tháng 11 tới, hãng gọi xe nội này sẽ ra mắt thêm ứng dụng dịch vụ giúp việc nhà theo giờ.

Phải có sản phẩm đặc thù

Ông Võ Quốc Bình, đại diện Công ty CP Tập đoàn Togo (TP HCM), nhận xét thị trường gọi xe trong nước về cơ bản vẫn là sân chơi của hãng xe ngoại Grab. Hãng gọi xe dẫn đầu thị trường này có dòng tiền luân chuyển liên tục, hoạt động khá linh hoạt, đi tắt đón đầu và áp dụng nhiều chiến thuật kinh doanh. Thị trường sắp tới diễn biến như nào thì Grab có thể sẽ chuyển hướng theo nên khó có thể bị vượt mặt.

"Các hãng gọi xe trong nước cần theo sát thị trường, linh hoạt hơn nữa, xác định đối thủ đang "mắc" ở đâu để khai thác và "đánh" vào từng phân khúc nhất định. Chẳng hạn, tài xế Grab phần lớn chạy xe cũ, chất lượng thấp thì hãng xe trong nước đưa xe mới vào sẽ hoạt động tốt. Cũng cần đón đầu thị trường, có sản phẩm đặc thù, không nên dàn hàng ngang để "chiến" sẽ dẫn đến bị chia sẻ miếng bánh thị phần" - ông Bình góp ý.

Cũng theo ông Bình, chạy đua về giá là "tự sát" vì dòng tiền của đối thủ nước ngoài rất dồi dào. Doanh nghiệp (DN) Việt nên chọn một phân khúc để tập trung khai thác triệt để và chiếm lĩnh, sau đó mới khai thác tiếp phân khúc khác. Đồng thời, không nên quá chú trọng chạy đua công nghệ, vì công nghệ không thể quyết định thành bại của loại hình dịch vụ.

Ông Phạm Chinh, chuyên gia thị trường, cho rằng với thị phần chi phối, Grab vẫn đang ở vị trí có thể kiểm soát cuộc chơi. Bên cạnh đó, Việt Nam là thị trường có tầm quan trọng trong khu vực Đông Nam Á nên Grab chắc chắn sẽ tiếp tục đầu tư để củng cố vị thế. Ông Chinh dự báo hãng xe này sẽ chú trọng tối ưu hóa chi phí hoạt động để giảm lỗ. Với hệ sinh thái phong phú, đặc biệt là mảng giao đồ ăn vẫn hoạt động tốt, Grab có thể không phải đối mặt với áp lực chịu lỗ để duy trì và thu hút người tiêu dùng.

"Thị trường dù cạnh tranh cỡ nào cũng không thể có một ứng dụng duy nhất thống lĩnh, cần có 2 - 3 sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Thị trường với 3 DN cạnh tranh là khá ổn, ai cũng có phần trong miếng bánh chung" - ông Phạm Chinh nêu quan điểm.

Theo ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, thị phần của Grab hiện tại vẫn khá lớn, chỉ cần duy trì tốt thì vẫn sống khỏe. Đây là trò chơi của dòng tiền. Thị phần sẽ rơi vào tay các DN mới thâm nhập khi DN đi trước không còn bơm tiền vào thương vụ nữa.