Giải pháp phòng chống lừa đảo online năm 2024: “Chiến dịch” xác thực sinh trắc học

Năm 2024, xác thực sinh trắc học trở thành “từ khóa chủ chốt” trong toàn ngành ngân hàng khi đây được xác định là giải pháp quan trọng chống lừa đảo online. Sau nửa năm triển khai, kết quả của việc xác thực sinh trắc học là khởi đầu cho chiến lược dài hạn đảm bảo an toàn và bảo mật trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng.

Ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN chính thức ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Quyết định 2345 ra đời trong bối cảnh tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng và trở thành vấn nạn nghiêm trọng khi thiệt hại về tài sản không ngừng gia tăng.

Một trong những quy định đáng chú ý trong Quyết định 2345, đó là kể từ ngày 01/7/2024, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Khi việc cập nhật sinh trắc học trở thành yêu cầu bắt buộc trong quá trình chuyển khoản giao dịch có giá trị lớn đã gây ra không ít lo ngại rằng quy định này sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng. Về vấn đề này, lãnh đạo NHNN nhiều lần khẳng định rằng: Theo thống kê, có tới 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu, chỉ 10% là chuyển trên 10 triệu đồng. Với tỷ lệ như vậy, mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng là rất ít. Chưa kể khi thực hiện giao dịch chuyển tiền thì chỉ cần đưa khuôn mặt vào và xác thực với khuôn mặt đã được dùng để mở tài khoản thì với tình hình ứng dụng công nghệ hiện nay của các tổ chức tín dụng chỉ trong khoảng thời gian 3-5 giây.

Lãnh đạo của NHNN đặc biệt nhấn mạnh, ngành ngân hàng luôn ưu tiên trải nghiệm của khách hàng, và khẳng định việc xác thực sinh trắc học là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng nhất là trong bối cảnh các vụ lừa đảo, trộm tiền qua ngân hàng thời gian qua tăng mạnh.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: “Với Quyết định 2345, từ ngày 1/7, không có chuyện người dân nói rằng tôi đang ngủ mà bị đánh cắp hàng trăm triệu đồng trong tài khoản, hay tài khoản bốc hơi mà chủ tài khoản không biết”.

Ông Tuấn cũng dẫn lại lời Thủ tướng Chính phủ "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" để khẳng định quyết tâm triển khai thành công Quyết định 2345.

Cách dấu mốc ngày 01/7/2024 khoảng 2 tuần, các ngân hàng đã bước vào “cuộc đua” cấp tập trong việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học. Hàng loạt thông báo liên tục được gửi tới khách hàng đề nghị nhanh chóng cập nhập dữ liệu sinh trắc học. Thậm chí, nhiều ngân hàng mở cửa phòng giao dịch cả ngoài giờ hành chính và xuyên ngày cuối tuần để hỗ trợ cho khách hàng.

Bước sang ngày 01/7, việc thực hiện sinh trắc học chính thức áp dụng đối với các giao dịch chuyển tiền. Ngay trong ngày đầu tiên, nhiều vấn đề nảy sinh xuất hiện như tắc giao dịch, chuyển khoản không thành công trong quá trình xác thực… Lãnh đạo một ngân hàng Big 4 đã từng thừa nhận, ngày đầu tiên thực hiện sinh trắc học chuyển tiền, người dân gặp trục trặc làm 5 lần chưa xong là đúng.

Tuy nhiên, mọi lỗ hổng liên quan đến ách tắc giao dịch, cập nhật dữ liệu lỗi được khắc phục dần. Thống kê của NHNN ghi nhận, tính đến 17 giờ ngày 3/7, có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học Bộ Công an. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khi đó khẳng định: “Con số này có thể nói bằng cả 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng”.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.

Quyết định 2345 đi vào thực tiễn dù đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, nhưng chỉ là khởi đầu của một chiến lược dài hạn nhằm tăng cường an toàn và bảo mật trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng. Việc triển khai xác thực sinh trắc học đã giúp làm sạch dữ liệu tài khoản ngân hàng và giảm thiểu đáng kể các vụ lừa đảo trực tuyến. Song, để xây dựng hệ thống tài chính an toàn và minh bạch, ngành ngân hàng xác định mục tiêu cần bổ sung, nâng cao các giải pháp bảo mật thêm mạnh mẽ và toàn diện.

Và tiếp nối Quyết định 2345, Thông tư 18/2024/TT-NHNN của NHNN ra đời yêu cầu từ ngày 01/10/2024, tất cả cá nhân mở thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử qua kênh trực tuyến phải thực hiện xác thực sinh trắc học. Thông tư 17/2024/TT-NHNN cũng quy định rằng từ 01/01/2025, các chủ tài khoản chưa hoàn tất việc cập nhật thông tin sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch trực tuyến. Hơn nữa, kể từ ngày 01/01/2025, các tài khoản chưa được xác thực sinh trắc học sẽ chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy, điều này không chỉ đảm bảo tính bảo mật mà còn củng cố sự tin tưởng của khách hàng đối với các giao dịch ngân hàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định, ngành ngân hàng xác định đích đến là ngày 1/1/2025, dữ liệu tài khoản ngân hàng phải là dữ liệu sống, khẳng định cam kết mạnh mẽ về việc đảm bảo an toàn trong hệ thống tài chính.

Trong tinh thần đầy quyết tâm với thông điệp từ NHNN, hệ thống ngân hàng thương mại lại bước vào giai đoạn cao điểm cập nhật sinh trắc học mới. Từ đầu tháng 10/2024, nhiều ngân hàng như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, Sacombank, SHB, TPBank, Nam A Bank, VietBank, Oceanbank, Eximbank,…đã phát đi thông báo yêu cầu khách hàng thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học và giấy tờ tùy thân để đảm bảo tính chính chủ của tài khoản. Một số ngân hàng như còn thông báo mở cửa ngoài giờ hành chính để hỗ trợ việc cập nhật sinh trắc học.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, trong giai đoạn đầu triển khai chiến dịch, không ít thắc mắc và băn khoăn đã được đặt ra. Nhưng trên tinh thần của Tổng bí thư Tô Lâm, “vừa thiết kế vừa thi công”, ngành ngân hàng đã đạt được những thành công bước đầu to lớn, dưới sự hỗ trợ của Bộ Công an và các bộ ngành liên quan cùng sự đầu tư, chuyển đổi về công nghệ của ngành ngân hàng.

Các vụ lừa đảo, tài khoản ảo và các hình thức lợi dụng kẽ hở hệ thống để trục lợi đã giảm mạnh, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho sự chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Không chỉ dừng lại ở việc cập nhật sinh trắc học cho khách hàng cá nhân mà thời gian tới, quy định này cũng áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp.

Trên góc độ của chuyên gia an ninh mạng, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam – NCS cho biết, Việt Nam là một trong những nước triển khai xác thực sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng tương đối sớm. Trên thế giới, chưa có nhiều nước triển khai được. Ông Sơn đánh giá, giải pháp cập nhật sinh trắc học là công cụ rất hữu hiệu trong phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, khi thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo bằng cách loại bỏ hầu hết các tài khoản ngân hàng "rác". Vị này đặt nhiều kỳ vọng vào tính hữu hiệu của giải pháp sinh trắc trong thời gian tới.

"Ngành ngân hàng đã chứng minh rằng khi có quyết tâm, không gì là không thể vượt qua," ông Hùng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định sự thành công của chiến dịch cập nhật sinh trắc học không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn là bước ngoặt quan trọng giúp ngành ngân hàng chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.