Giảm 1% lãi suất, không cần tài sản đảm bảo thế chấp cho các khoản vay trong Đề án 1 triệu ha lúa

Tất cả hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết lúa gạo phát thải thấp khi vay vốn sẽ được giảm lãi suất, không cần tài sản thế chấp...

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngày 7/11 tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Đề án 1 triệu ha lúa theo đề án 1490 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi nhận thức đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng. Nếu triển khai Đề án này một cách quyết liệt với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tôi tin rằng đến năm 2030 chúng ta sẽ có 1.000.000 hécta lúa đảm bảo chất lượng cao, giảm phát thải và đạt được những mục tiêu rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của cả nước nói chung”.

Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết, ngành ngân hàng nói chung và NHNN đã nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi theo những nội dung của Đề án.

Đối với NHNN, trong thời gian qua, toàn bộ các chính sách, cơ chế cho việc triển khai đề án này đã được hoàn thiện, đã được ban hành. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trước hết là ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có vai trò chủ lực trong vấn đề cho vay nông nghiệp nông thôn nói chung và vai trò chủ lực để thực hiện thí điểm cũng như chương trình lâu dài sau này, thực hiện triển khai đề án này.

“Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng nếu như thực hiện tốt tất cả những chính sách đã được đặt ra trong quyết định 1490 thì những người tham gia vào chuỗi liên kết này sẽ được thụ hưởng ưu đãi của Nhà nước rất tích cực, mà đây cũng là điều kiện có thể nói là có tính chất quyết định cho việc đảm bảo tính lâu dài, tính ổn định và bền vững của việc liên kết giữa các doanh nghiệp hợp tác xã, hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư ban đầu đến khâu trồng trọt đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi tin rằng sẽ rất thành công”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói thêm.

Cũng trong chia sẻ, ông Tú nhấn mạnh 3 vấn đề. Thứ nhất, những ai tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa là đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng. Các chính sách ưu đãi sẽ được thông báo rộng rãi cho bà con nông dân thông qua các chính quyền địa phương.

Thứ hai, NHNN chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn là chủ lực cùng với các ngân hàng thương mại khác triển khai rộng rãi các chương trình này và tất nhiên là đảm bảo đúng chính xác quy định những đối tượng được thụ hưởng và những nội dung được đặt ra.

Ví dụ như giảm tối thiểu 1% so với lãi suất hiện hành cũng như cơ chế về hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp cho các hợp tác xã hộ dân, cho vay không cần tài sản đảm bảo trên cơ sở quản lý được dòng tiền, trên cơ sở các thành viên đã tham gia liên kết rất chặt chẽ thì sẽ giảm thiểu yêu cầu cần thiết.

Ngoài ra, các ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn trung dài hạn đối với doanh nghiệp cần nâng cao năng lực thu mua, chế biến tại chỗ, cũng như là những doanh nghiệp cung ứng vật tư thiết bị hỗ trợ cho bà con trong quá trình nuôi trồng lúa. Tất cả những điều đó sẽ được triển khai thông qua ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam là đơn vị chủ lực cho vay trong giai đoạn thí điểm cũng như các tổ chức tín dụng khác tham gia dự án này thời gian tới.

Thứ ba, đây là giai đoạn cao điểm, NHNN tiếp tục lắng nghe tiếp thu những gì có thể còn vướng mắc, những gì chưa đồng bộ, để có thể tư vấn tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến nay, dư nợ vay tín dụng vùng ĐBSCL ước đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng , tăng khoảng 8% so với cuối năm ngoái.

Về chương trình cho vay gói kể trên, NHNN sẽ triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến 2025), Agribank sẽ là ngân hàng chủ lực cho vay thí điểm. Giai đoạn 2 hay còn gọi là giai đoạn mở rộng (2025-2030) sẽ có thêm các tổ chức tín dụng cùng tham gia.