Hải Phòng: Trung tâm của lễ cầu đảo độc đáo vùng quê Bắc Bộ

Đó là đình Cựu Đôi ở thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng - trung tâm của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ rước Ngũ linh từ nhằm cầu đảo (cầu mưa) được tổ chức 5 năm một lần.

Trò chuyện với phóng viên trong khuôn viên Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đình Cựu Đôi ở thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, ông Phạm Văn Hoạt - Thủ từ của Đình, kể về lịch sử ngôi đình và câu chuyện về các vị tướng quân dưới thời Hai Bà Trưng đang được thờ phụng tại đây.

Ông Hoạt cho biết, theo các thần phả còn lưu giữ, đình Cựu Đôi thờ ngài Đào Quang quê gốc ở trang Vĩnh Thế, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, làm nghề dạy học ở trang Cựu Đôi. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, ông cùng 3 người có chung chí hướng là các ông: Hoàng Công Đường, Trần Công Cát, Nguyễn Công Châu, cùng các trai tráng đều ở trang Cựu Đôi tham gia cuộc khởi nghĩa.

Di tích quốc gia đình Cựu Đôi - trung tâm của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ rước Ngũ Linh Từ ở huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Sau khi giành được thắng lợi, ngài Đào Quang được Trưng Vương phong chức "Trung phẩm đạo tướng". Ba ông Châu, Đường, Cát được phong làm tướng quân. Đoàn quân do Đào Quang dẫn đầu sau khi được phong chức đã trở lại trang Cựu Đôi chăm lo việc nông trang, khuyến bảo việc học hành nên được dân chúng yêu mến, cảm phục.

Sau khi các ông mất, để ghi nhớ công ơn, người dân trong vùng xây đền, đình thờ phụng tại vị trí trung tâm của trang Cựu Đôi. Đó là đình Cựu Đôi ngày nay.

Trải qua thời gian và chiến tranh, đình Cựu Đôi vẫn còn giữ những nét kiến trúc cổ với bố cục mặt bằng kiểu chữ "Đinh" gồm tòa tiền tế và hậu cung. Thành phần chịu lực của tòa tiền tế là bộ khung gỗ lim với cấu kiện chính là các bộ vì kiểu bốn hàng chân cột, hai hàng cột cái và hai hàng cột quân.

Hệ mái của tòa tiền tế làm kiểu thức mái đao tàu góc, lợp ngói mũi hài. Bờ nóc đắp trang trí lưỡng long chầu hổ phù đội quả lôi. Hai đầu bờ nóc đặt hai kìm nóc, các góc đao được đắp các hình rồng, phượng, lân cách điệu.

Hậu cung đình gồm 3 gian được xây theo kiểu tường hồi bít đốc. Hậu cung có bốn bộ vì, khoảng cách từ chân hàng cột tới vách tường bằng 0,5m tạo thành lối đi ở 2 bên cung. Khoảng rộng ở chính giữa các hàng cột và vì, xà để hương án cùng các đồ thờ tự.

Đình Cựu Đôi sớm được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 2307/QĐ ngày 30/12/1991.

Ông Phạm Văn Hoạt - Thủ từ đình Cựu Đôi, ở huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, kể về lịch sử ngôi đình và các vị tướng quân được thờ phụng tại đây (Ảnh: Thái Phan).

Mặc dù không thuộc hệ thống Ngũ linh từ nổi tiếng của huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, nhưng đình Cựu Đôi lại là trung tâm của Lễ rước Ngũ linh từ nhằm cầu đảo (cầu mưa) độc đáo.

Xưa kia, vào những năm hạn hán, người dân địa phương lại làm lễ rước các thánh từ các đền thuộc Ngũ linh từ, gồm: Đền Canh Sơn, đền Bì (xã Đoàn Lập), đền Để Xuyên (xã Đại Thắng), đền Hà Đới (xã Tiên Thanh) và đền Gắm (xã Toàn Thắng), về đình Cựu Đôi để tế lễ, cầu đảo và tổ chức hội bơi thuyền trên đầm Bì thuộc xã Đoàn Lập.

Do chiến tranh, trong thời gian dài, Lễ rước Ngũ linh từ không được tổ chức. Đến năm 2013, UBND huyện Tiên Lãng tiến hành phục dựng Lễ rước Ngũ Linh Từ và đề quy định 5 năm tổ chức một lần.

Hải Phòng: Sớm trùng tu “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Với nhiều giá trị văn hóa, tinh thần quý giá, tháng 3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định đưa Lễ rước Ngũ Linh từ của huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

"Ngoài Lễ rước Ngũ linh từ, hằng năm vào 3 ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng, người dân trong vùng, con em xa quê và du khách thập phương lại nô nức tham dự Lễ hội đình Cựu Đôi kỷ niệm ngày sinh của ngài Đào Quang được thờ tại đình. Đây là dịp mọi người hàn huyên ôn lại kỷ niệm cũng như tỏ lòng biết ơn, tri ân các bậc tiền nhân có công khai phá và bảo vệ quê hương, đất nước", ông Phạm Văn Hoạt - Thủ từ đình Cựu Đôi, chia sẻ.