Hiệu quả việc huy động nguồn lực bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế

Quỹ bảo tồn di sản Huế đã góp phần huy động hiệu quả nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương vào ngày 30/11/2024 đã trở thành một cột mốc lịch sử, đánh dấu sự phát triển toàn diện của vùng đất Cố đô. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Thừa Thiên Huế, mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho một địa phương có bề dày lịch sử và văn hóa.

Với mô hình đô thị lựa chọn là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa mật độ cao, đô thị nén sẽ giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn phát triển, tạo điều kiện cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước…

Điện Kiến Trung- sự hồi sinh của chứng nhân lịch sử.

Đến nay, Thừa Thiên - Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 6 di sản của riêng Huế (Quần thể Di tích Cố đô Huế -1993 – Di sản vật thể; Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam - 2003 - Di sản phi vật thể; Mộc bản triều Nguyễn - 2009 - Di sản tư liệu; Châu bản triều Nguyễn - 2014 - Di sản tư liệu; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế - 2016 - Di sản tư liệu; Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế - 2024 - Di sản tư liệu) và 2 di sản chung với các địa phương khác (Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được thực hiện một cách toàn diện, đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiều di sản thay đổi, hồi sinh, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thừa Thiên - Huế có hệ thống di sản phong phú, phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều loại hình khác nhau. Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được nguyên vẹn kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm.. cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm.

Vẻ đẹp tráng lệ bên trong điện Thái Hoà sau khi hoàn thiện tu.

Công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích Huế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tôn tạo cảnh quan môi trường tại khu di sản Huế luôn được chú trọng và gắn liền với việc đẩy mạnh trao đổi hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn tiên tiến của thế giới và phát triển nguồn nhân lực địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tôn tạo, trùng tu hệ thống di tích lịch sử một cách toàn diện, có hệ thống.

Theo thống kê, từ năm 1996 đến nay, đã có gần 200 công trình, trong đó có các công trình tiêu biểu như Điện Kiến Trung, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh… đã được tu bổ, phục dựng; với số tiền hơn 2.265 tỉ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã và đang thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế nhằm thực hiện các mục tiêu gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực I di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế, công tác bảo tồn và phát huy giá trị tiếp tục được quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ. Việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, cách mạng và di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ được tiến hành thường xuyên. Giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo gần 40 công trình di tích tại các huyện, thị xã và TP. Huế.

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế, giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ. Từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã nhận được hơn 8 tỉ đồng ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị.

Chia sẻ về Quỹ bảo tồn di sản Huế, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng là Giám đốc Quỹ Bảo tồn di sản Huế cho hay, thời gian tới, với nhiệm vụ được giao, Trung tâm sẽ có nhiều giải pháp để huy động nguồn lực cho Quỹ; nhưng trước hết là tuyên truyền để cộng đồng hiểu thêm nội dung ý nghĩa của Quỹ qua đó cùng chung tay cho công cuộc bảo tồn di sản. Không phải là ủng hộ quỹ số tiền nhiều hay ít, mà quan trọng là bày tỏ sự quan tâm đến di sản của mọi tầng lớp nhân dân.

"Bối cảnh kinh tế đang còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp, đơn vị rất quan tâm đến bảo tồn di sản Huế nhưng không có nhiều nguồn lực. Trung tâm sẽ kết nối, phát động đến các doanh nghiệp có điều kiện và tâm huyết với di sản văn hóa; đồng thời cũng có thể kêu gọi một số tỉnh, thành trong nước ủng hộ Quỹ. Ý nghĩa lớn chính là đóng góp cho quỹ của quốc gia chứ không riêng gì cho Huế, vì di sản Huế là của cả đất nước. Quần thể Di tích Cố đô Huế rất nhiều dự án cần được tu bổ và rất cấp thiết, nên từ nguồn lực của Quỹ để lựa chọn phân bổ phù hợp tùy theo quy mô, tính chất của công trình di tích cần trùng tu, bảo tồn. Quỹ Bảo tồn di sản Huế không chỉ dành cho các di tích ở Quần thể Di tích Cố đô Huế mà còn nhiều di tích văn hóa, di sản phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh", ông Trung nhấn mạnh.

Lê Kông