Luật Nhà giáo: Tránh biến đãi ngộ trở thành đặc quyền

Theo các chuyên gia, Luật Nhà giáo cần xây dựng chính sách hỗ trợ, chế độ lương phù hợp với căn cứ thực tiễn, đúng đối tượng.

Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khai mạc vào ngày 21/10 tới đây.

Nhiều điểm mới, thay đổi được quan tâm trong dự thảo lần này đó là các nội dung liên quan đến chính sách lương, đại ngộ giáo viên; Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên; nghiêm cấm công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo và trong trường hợp các sai phạm chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề dạy học..

Căn cứ vào thực tiễn để xây dựng luật

Trước những đề xuất mới, ông Hồ Như Hiển - Giáo viên Sử tại Trường liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hóa bày tỏ hoan nghênh việc xây dựng Luật Nhà giáo, tuy nhiên các quy định cần căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của giáo dục Việt Nam mà có những đề xuất phù hợp với thực tiễn.

"Luật Nhà giáo phải đảm bảo được quyền lợi cho giáo viên, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, thể hiện sự trân trọng của xã hội và Nhà nước với những người làm công tác giáo dục. Cần tăng thêm phúc lợi cho đội ngũ cán bộ công nhân viên trong trường học, đảm bảo quyền được thực thi các hành động giáo dục trong nhà trường", ông Hiển bày tỏ.

Ông Hồ Như Hiển - Trường liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hoá.

Đồng thời, ông Hiêtn cũng mong muốn có chế tài xử lý nghiêm những hành vi chia sẻ, vu khống, bịa đặt, nói xấu ngành giáo dục, người làm công tác giáo dục khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.

Xem xét đầy đủ tác động đến ngân sách Nhà nước

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, Luật Nhà giáo là đạo luật rất khó và dễ gây chồng chéo với các luật khác, bởi giáo giáo viên là ngành nghề bị tác động bởi nhiều quy định khác nhau.

Bà Nga đánh giá Bộ GD&ĐT đã xây dựng luật để định danh vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội. Từ đó đưa ra những quy định trong ứng xử của nhà giáo, cùng hàng loạt chính sách khác, với mục đích tôn vinh và thêm một số chế độ, chính sách cho nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, về đề xuất cấm tổ chức, cá nhân công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo, bà Nga cho rằng đây là quy định bất hợp lý, mập mờ.

Ở đây đại biểu đặt ra câu hỏi: "Nhà giáo cũng là một công dân và không phải là nghề nghiệp đặc thù, mang tính bí mật Nhà nước, thế thì tại sao người ta lại không được thông tin về sai phạm của anh? Trong khi đó, từ trước đến nay, rất nhiều vụ việc của nhà giáo được phanh phui là do phụ huynh, học sinh giám sát".

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Liên quan đến chính sách tiền lương, đãi ngộ, bà Nga cho rằng nhà giáo hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi.

"Lâu nay chúng ta cứ kêu lương giáo viên thấp, nhưng qua khảo sát, chỉ có một bộ phận giáo viên lương thấp, chủ yếu rơi vào giáo viên mầm non, mới ra trường. Còn lại trong tương quan của đội ngũ viên chức nói chung, lương giáo viên hiện nay rất cao so với các đối tượng viên chức ngành khác", bà Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.

Cụ thể, ngoài bậc lương cơ bản như viên chức nói chung, giáo viên còn có 2 lần phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp. Ngoài chuyện dạy thêm, chỉ tính riêng mức lương và phụ cấp thì mức thu nhập của giáo viên không hề thấp, thậm chí cao nhất trong thang bảng lương, thu nhập đã được cải thiện đáng kể rồi.

"Ai cũng muốn người hưởng lương từ ngân sách cao hơn, dù đã tăng lương nhưng so với mặt bằng cuộc sống, đời sống vẫn còn chật vật. Tuy nhiên, túi ngân sách cũng chỉ đáp ứng được như vậy, đó cũng là sự nỗ lực lắm rồi. Vì thế, giáo viên không thể đòi hỏi đặc quyền đặc, lợi riêng so với các ngành khác", đại biểu Nga cho hay.

Cần xem xét kỹ lưỡng tác động xã hội của Luật Nhà giáo.

Theo quy định về bồi dưỡng thường xuyên hiện hành, mỗi năm học giáo viên phải tham gia bồi dưỡng 120 tiết thông qua hình thức tập trung, từ xa hoặc bán tập trung.

Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu thực hiện bồi dưỡng giáo viên theo hình thức tập trung thì ngân sách bồi dưỡng hàng năm tăng thêm khoảng 198,75 tỷ đồng.

Còn nếu thực hiện theo hình thức từ xa, ngân sách bồi dưỡng hàng năm tăng thêm khoảng 39,75 tỷ đồng; nếu thực hiện theo hình thức bán tập trung thì ngân sách bồi dưỡng hàng năm tăng thêm khoảng 99,375 tỷ đồng.

Về quy định về bảo lưu tiền lương và phụ cấp đối với trường hợp nhà giáo được cơ quan có thẩm quyền điều động hoặc biệt phái, Chính phủ khẳng định, không làm phát sinh thêm chi phí tiền lương và phụ cấp. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nhà giáo dạy liên trường thì phát sinh chi phí đi lại giữa các cơ sở giáo dục.

Theo cơ quan soạn thảo, chi phí này đang dự kiến đưa vào quy định về phụ cấp lưu động hiện đang được quy định và thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức với mức 0,2.

Căn cứ số liệu chiết suất trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, Bộ GD&ĐT dự tính, chi phí phát sinh để chi trả phụ cấp lưu động đối với giáo viên dạy liên trường/năm học khoảng 49,9 tỷ đồng.

Về chính sách tiền lương và phụ cấp ưu đãi nghề, ban soạn thảo cho biết, ngân sách nhà nước sẽ phát sinh cho việc chi trả lương và phụ cấp ưu đãi nghề cho nhà giáo.

Theo đề xuất phương án quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định thì bảng lương của giáo viên mầm non, phổ thông công lập có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc đối với nhà giáo ở các cấp học. Đồng thời phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non (tăng thêm 10%) và tiểu học (thăng thêm 5%).

Theo đó, chi phí phát sinh dự tính tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng, tức là hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.