Theo Du lịch Sóc Trăng, bánh Pía là một trong số những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng, tuy nhiên chưa có nhiều điểm bán hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Trong hơn 40 cơ sở chuyên sản xuất bánh pía, lạp xưởng, có 3 cơ sở đã được công nhận là điểm mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, đó là Công ty TNHH chế biến thực phẩm bánh Pía - Lạp xưởng Tân Huê Viên, Doanh nghiệp tư nhân Công Lập Thành, Doanh nghiệp tư nhân Quãng Trân.
Trong đó, Tân Huê Viên vừa là một cở sở sản xuất vừa là 1 điểm mua sắm có quy mô lớn nhất trong tỉnh. Điểm mua sắm của công ty Tân Huê Viên được đầu tư xây dựng trên diện tích 1.200m2, gồm khu mua sắm các loại đặc sản, khu ăn uống giải khát, khu trưng bày sản phẩm, khu tham quan mô hình sản xuất bánh pía thu nhỏ.
Hiện nay, bánh pía sầu riêng của Tân Huê Viên đang xuất khẩu sang thị trường hơn 20 nước trên thế giới.
Dự án Liên Hoa Bảo tháp sắp đi vào hoạt động
Tháng 3/2018, Tân Huê Viên đã khởi công xây dựng dự án Liên Hoa Bảo Tháp, vị trí triển khai dự án nằm liền kề với vị trí của Công ty Tân Huê Viên với tổng diện tích trên 42.000 m2. Mới đây, theo chia sẻ của Tổng giám đốc, công trình dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.
Dự án có vốn đầu tư hàng trăm tỷ, gồm nhiều hạng mục. Trong đó, Liên Hoa Bảo tháp có hình hoa sen là một điểm nhấn nổi bật của dự án, có ba tầng, với chiều cao khoảng 68m, đường kính 99m. Bên trong cho đặt tượng Dược sư nặng 19 tấn, chiều cao 6,8m.
Khi Liên hoa bảo tháp hoàn thành, du khách đến đây sẽ tham quan một vòng rồi đến khu vực nhà xưởng để tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất bánh pía, sau đó sẽ được dùng thử bánh pía miễn phí.
Dự án từng vướng vào tranh cãi cho rằng liệu đây có phải là một dự án mang tính tôn giáo, tín ngưỡng, có phải là một hình thức kinh doanh tâm linh? Việc dự án được xây dựng trên phần đất thuê của khu công nghiệp có đúng quy định của pháp luật?
Ông Tuấn cho biết, mục đích của doanh nghiệp là muốn phục vụ du lịch, tạo điểm nhấn riêng biệt chứ không cúng bái theo kiểu thờ tự, tôn giáo.
Tuy nhiên, theo xác nhận của Ban Tôn giáo Chính phủ, Tượng Dược sư được đúc bằng đồng mạ vàng đặt trong công trình Liên hoa bảo Tháp của Công ty Tân Huê Viên được xác định là công trình tôn giáo.
Về tính pháp lý dự án, thời điểm đó đại diện Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh cũng như UBND tỉnh Sóc Trăng đều khẳng định việc Tân Huê Viên thuê đất để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh là phù hợp với quy định của Chính phủ về khu công nghiệp đô thị dịch vụ, phù hợp với điểm du lịch đã được tỉnh công nhận.
Hành trình khởi nghiệp của "vua bánh pía"
Tân Huê Viên hiện có vốn điều lệ 600 tỷ, trong đó, ông Thái Tuấn, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế Biến Thực Phẩm Bánh Pía - Lạp Xưởng Tân Huê Viên chiếm 51% vốn của công ty, 49% còn lại của bà Lý Thục Chung.
Ông Thái Tuấn, sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo ở thành phố Sóc Trăng. Năm 12 tuổi, ông phải nghỉ học, kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng nghề sửa xe. Sau đó, ông Tuấn đã xin vào làm không công cho một cơ sở sản xuất bánh pía ở Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng), cách nhà vài chục cây số.
Mơ ước mở lò sản xuất bánh, khi người anh trai lập gia đình, ông Tuấn đã hỏi mượn anh toàn bộ số tiền mừng đám cưới để làm vốn mua: bột, đường, đậu... để sản xuất bánh. Còn khuôn bánh do ông Tuấn tự tay làm.
Năm 1985, cơ sở sản xuất bánh pía Tân Huê Viên được thành lập. Những ngày đầu khởi nghiệp rất khó khăn, bánh làm ra không biết làm sao tiêu thụ được vì việc buôn bán lúc bấy giờ không mấy dễ dàng. Ông Thái Tuấn phải mang bánh ra ngoài chợ mời khách ăn thử và bán lẻ từng cái bánh.
Chấp nhận lỗ lã thời gian đầu, công sức của Tân Huê Viên dần được đền đáp. Đến năm 1993, Tân Huê Viên chuyển từ mô hình sản xuất theo mùa sang sản xuất theo năm.
Từ chỗ chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ trong phạm vi gia đình, đến năm 1996, ông Tuấn đã mở rộng sản xuất, thuê 20 công nhân để tăng sản lượng. Năm 2000 công nhân đã lên đến hơn 60 người, chưa kể những người làm theo thời vụ.
Năm 2007, cơ sở sản xuất bánh pía Tân Huê Viên đã đổi tên thành Công ty Chế biến Thực phẩm Bánh Pía - Lạp xưởng Tân Huê Viên, với diện tích nhà xưởng trên 17.000 m2, đồng thời xây dựng điểm dừng chân trên diện tích 1.200 m2.