PSI chỉ ra 7 nhóm ngành để đầu tư: Lưu ý 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn

Các dự án có sử dụng vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ để đáp ứng mục tiêu giải ngân của Chính phủ - PSI đánh giá.

Trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu phân hóa khi phải đối mặt với những bất ổn địa chính trị, lạm phát và thiên tai, Việt Nam vẫn ngoạn mục vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2024, vượt qua dự báo của nhiều tổ chức kinh tế lớn như IMF, World Bank, ADB.

Tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu

Báo cáo phân tích mới đây của CTCK PSI ước tính GDP năm 2024 của Việt Nam tăng trưởng khoảng 7% so với 2023, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội đặt ra.

Trong đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 được thúc đẩy chủ yếu bởi sự hồi phục nhanh chóng của hoạt động xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt 800 tỷ USD và thặng dư thương mại cả năm được dự báo là xấp xỉ 28 tỷ USD. Xuất khẩu cũng là động lực sản xuất chính trong khi tiêu dùng nội địa tăng khá chậm.

Nguồn: GSO, PSI tổng hợp

Báo cáo cũng nhấn mạnh năm 2025 sẽ là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đây là năm cuối để hoàn thành các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2021-2025 của Việt Nam và chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV vào đầu năm 2026.

Với dự báo mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình trong cả giai đoạn là 6,5% - 7%/năm và cho năm 2025 là 7-8%, Việt Nam đã sẵn sàng cho sự chuyển mình để bước vào kỷ nguyên mới.

Dự báo tăng trưởng GDP của PSI dựa trên cơ sở kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó hoạt động xuất khẩu cũng có thể kỳ vọng vào một năm 2025 tương đối thuận lợi trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bị đẩy lên mức độ cao hơn so với năm 2018 khi Việt Nam không phải mục tiêu trực tiếp của các chính sách thuế quan dưới thời kỳ Trump 2.0.

Việc áp thuế chung cho tất cả sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ khiến cho sức cạnh tranh tương đối của Việt Nam ít bị ảnh hưởng, thậm chí có thể kỳ vọng một số nhóm hàng hóa cạnh tranh với Trung Quốc có thể được hưởng lợi nếu Trung Quốc bị áp thuế lên tới 60%. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể tiếp tục đạt 2 chữ số, tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục mở rộng, tăng quy mô.

Cơ hội trở nên rõ ràng hơn

Bước sang năm 2025 với các yếu tố cơ bản hỗ trợ, PSI cho rằng thị trường sẽ bước sang một chu kỳ tăng trưởng mới. Dòng tiền đầu tư vào chứng khoán sẽ có sự cải thiện tích cực giúp cho cơ hội sẽ trở nên rõ ràng hơn trên thị trường.

PSI chỉ ra 7 nhóm ngành với nhiều triển vọng tích cực và là cơ hội tốt để đầu tư trong năm 2025 bao gồm: Ngân hàng, Dầu khí, Đầu tư công, Thép, Phân bón, Bán lẻ và Bất động sản.

Đối với nhóm ngành Ngân hàng chất lượng tài sản ngành Ngân hàng bắt đầu cải thiện khi tỷ lệ nợ xấu giảm. Tăng trưởng kinh tế vững vàng và mặt bằng lãi suất duy trì thấp khiến cho nhu cầu vay vốn tăng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Ngân hàng. PSI dự báo NIM của các NHTM có thể nới rộng trong năm 2025 khi các NHTM nâng dần mặt bằng lãi suất cho vay.

Giá dầu được dự báo sẽ dao động ổn định quanh ngưỡng 70-80 USD/thùng trong năm 2025 vẫn sẽ mang lại lợi nhuận đối với các doanh nghiệp khai thác và có thể hỗ trợ phần nào sự phục hồi chung của nền kinh tế thế giới, các diễn biến tích cực trong nhiều dự án dầu khí thượng nguồn sẽ là động lực giúp cho cổ phiếu nhóm ngành Dầu khí đón nhận một năm mới đầy triển vọng.

Trong khi đó đối với nhóm cổ phiếu Đầu tư công , năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 790,727 tỷ đồng, tăng 18% so với kế hoạch 670,000 tỷ đồng của năm 2024.

Các dự án có sử dụng vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ để đáp ứng mục tiêu giải ngân của Chính phủ.

Còn đối với nhóm bán lẻ, triển vọng tăng trưởng ngành được hỗ trợ bởi sự hồi phục của kinh tế vĩ mô và các chính sách thiết thực kích cầu tiêu dùng nội địa.

Ngoài ra các nhóm ngành như Thép, Phân bón và Bất động sản đều sẽ tăng trưởng tích cực khi được hưởng lợi từ nền kinh tế vững chắc và những câu chuyện riêng trong năm 2025.

Chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán Việt Nam

PSI đánh giá, năm 2025, bên cạnh sự chuyển mình của nền kinh tế đóng vai trò bệ đỡ, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm nhấn quan trọng nhất. Với việc kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được FTSE Russel nâng hạng đưa vào danh sách thị trường mới nổi (Emerging Market) trong kỳ đánh giá tháng 9 – 2025 sẽ là cú hích giúp thị trường chứng khoán tăng khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ chỉ đầu tư vào các thị trường phát triển. Theo dự báo của World Bank, nếu Việt Nam được nâng hạng bởi FTSE Russell và MSCI vào năm 2025, có thể thu hút đến 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế đến năm 2030, thông qua cả dòng vốn thụ động và chủ động.

Bên cạnh đó với điểm tựa là chính sách tiền tệ linh hoạt, PSI kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục duy trì mức lãi suất điều hành như hiện tại trong năm tới, qua đó dòng tiền của các nhà đầu tư vẫn sẽ có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư có tính rủi ro cao hơn nhưng đem lại hiệu suất lợi nhuận tốt hơn.

Tính đến ngày 13/12, thị trường chứng khoán Việt Nam được giao dịch với mức định giá P/E 14.x, thấp hơn nhiều mức trung bình 5 năm là 17.2x. Đây là vùng định giá tương đối hấp dẫn trong suốt chiều dài lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Định giá P/E của Việt Nam so với trung bình các thị trường mới nổi tuy cao hơn mức 9.1x tuy nhiên ROE của VN-Index luôn cao hơn so với mức trung bình của MSCI Emerging Market. Trong kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường là 13% và mức định giá P/E tại vùng cân bằng 15.x, PSI kỳ vọng PSI sẽ vượt 1.400 điểm trong năm 2025.