Tổng Giám đốc TikTok nói về điều nguy hiểm trong mua - bán online

Có rất nhiều giao dịch mua bán online giữa người bán và người mua tự thỏa thuận với nhau mà không thông qua sàn TMĐT

Chiều ngày 21-11, trong khuôn khổ Diễn đàn chuyển đổi số ngành Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức Hội thảo chuyên đề Xu hướng phát triển thương mại điện tử (TMĐT) bền vững trong kỷ nguyên số.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng tích cực ở mức 16-30%/năm. TMĐT tăng trưởng ấn tượng 18%, từ 19 tỉ USD năm 2023 lên 22 tỉ USD năm 2024, dự kiến đạt khoảng 63 tỉ USD vào năm 2030.

Tuy vậy, TMĐT Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Do vậy, bà Oanh cho rằng trong giai đoạn tới, mục tiêu phát triển TMĐT không chỉ dừng lại ở tốc độ phát triển nhanh, mà còn tập trung vào yếu tố bền vững, hướng đến tối ưu hóa quá trình từ sản xuất, kinh doanh đến trải nghiệm người tiêu dùng bằng các giải pháp có tác động tích cực và cân bằng giữa ba yếu tố phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong đó, doanh nghiệp là chủ lực phát triển TMĐT bền vững, nhà nước có vai trò quản lý, xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của TMĐT.

Lo lắng về "TMĐT inbox"

Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghệ TikTok Việt Nam, phản ánh 1-2 tháng gần đây, câu chuyện về nền tảng TMĐT xuyên biên giới mới vào Việt Nam tạo chiến lược marketing đã được bàn thảo nhiều trên trên mạng xã hội, hay các cuộc bàn thảo về TMĐT làm thế nào để phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng tích cực ở mức 16-30%/năm

Ông Thanh nêu quan điểm cá nhân cần phải có khung khổ pháp lý rõ ràng để đảm bảo các chủ thể kinh doanh TMĐT hay thương mại truyền thống được cạnh tranh bình đẳng. Điều này cần vai trò của Bộ Công Thương trong xây dựng chính sách rất quan trọng.

Đáng chú ý, Tổng giám đốc TikTok Việt Nam chỉ ra điểm đáng nguy hiểm hơn là các giao dịch mua bán online không thông qua sàn TMĐT.

Theo ông, số lượng giao dịch không chính thống qua sàn rất lớn lên tới cả trăm ngàn tỉ đồng, nhưng chưa được quản lý, dẫn tới rủi ro trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng giả, hàng nhái, cũng như đặt ra câu chuyện về thách thức quản lý thuế của Nhà nước.

"Có tình trạng chẳng lên sàn mà người bán - người mua sử dụng "TMĐT inbox", tự giao dịch, thuê ship giao hàng cho nhau" - ông Thanh chia sẻ.

Nếu không giải quyết được điều này, ông Thanh cho rằng TMĐT không thể phát triển bền vững.

Về khó khăn phát triển hệ sinh thái bền vững, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam, cũng phàn nàn nhiều khi xuất hiện tình trạng người dùng và người bán chỉ giao dịch một lần qua nền tảng số, sau đó tự thông tin, trao đổi, thỏa thuận giá với nhau. Dẫn tới sự không bền vững của nền tảng, khó khăn quản lý của cơ quan quản lý.