Từ nương rẫy đến homestay, nông dân đổi đời nhờ làm du lịch

Từng gắn bó với ruộng nương, nhiều nông dân nay trở thành chủ homestay, tạo việc làm cho cộng đồng và nâng cao thu nhập nhờ phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa địa phương.

Vượt lên từ nương rẫy

Du lịch cộng đồng đang trở thành một trong những hướng phát triển bền vững quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đây không chỉ là mô hình khai thác tiềm năng địa phương mà còn là cầu nối để du khách trải nghiệm văn hóa bản địa, giúp người dân địa phương cải thiện sinh kế và gìn giữ bản sắc văn hóa.

Ở những bản làng vùng cao Tây Bắc, du lịch cộng đồng không còn là khái niệm xa lạ. Các mô hình homestay, trải nghiệm văn hóa dân tộc, thưởng thức ẩm thực bản địa... đã tạo nên một sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc vừa thu hút du khách vừa cải thiện đáng kể đời sống kinh tế và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương đi đầu với hơn 300 điểm lưu trú tại gia tập trung ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát… Nhờ các chương trình hỗ trợ từ chính quyền, người dân đã được tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch. Thu nhập từ du lịch đã giúp đời sống bà con cải thiện rõ rệt.

Du lịch cộng đồng đang trở thành một trong những hướng phát triển bền vững quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Theo thống kê, các điểm du lịch ở Sa Pa có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không làm du lịch, nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cũng cao gấp từ 5 lần so với các hộ khác, đạt từ 25 - 60 triệu đồng/hộ/năm. Đặc biệt, có những hộ đạt doanh thu từ trên 300 triệu đồng đến cả tỷ đồng.

Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, du lịch cộng đồng còn góp phần làm hồi sinh các ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, sản xuất đồ lưu niệm... Ở Lào Cai, các điểm du lịch cộng đồng đã tạo việc làm cho hơn 2.600 lao động, giúp hàng ngàn gia đình đổi đời.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Lù Văn Thắng - chủ một homestay ở Sa Pa, chia sẻ: “Trước kia, gia đình tôi chỉ sống dựa vào nương rẫy, trồng ngô và lúa, nhưng thu nhập bấp bênh lắm, không đủ để lo cho con cái học hành. 

Từ khi được nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ, đầu tư làm homestay, mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Không chỉ có nguồn thu ổn định, tôi còn thấy tự hào khi du khách quốc tế rất thích thú với văn hóa của dân tộc mình”. Lù Văn Thắng - chủ một homestay ở Sa Pa

Ông Lù Văn Thắng.

Ông Thắng kể, mỗi năm gia đình ông thu được hơn 200 triệu đồng từ việc đón khách du lịch. Số tiền này không chỉ giúp sửa sang nhà cửa mà còn mang đến một cuộc sống tiện nghi hơn với những đồ dùng hiện đại như tủ lạnh, máy giặt, và cả chiếc xe máy mới. Nhưng điều làm ông xúc động nhất chính là tương lai của con cái.

“Bây giờ các con tôi được học hành đầy đủ, không phải lo nghỉ học giữa chừng. Tôi mừng vì các cháu không chỉ có kiến thức mà còn biết tự hào về nguồn gốc của mình, tự tin nói với khách du lịch về văn hóa của người dân tộc Mông”, ông Thắng bày tỏ.

Để thu hút thêm du khách, ông cùng gia đình chú trọng giữ gìn cảnh quan, môi trường quanh homestay và thường xuyên đăng tải hình ảnh, video lên mạng xã hội để quảng bá.

“Tôi cũng phối hợp với các công ty du lịch tổ chức các tour khám phá bản làng và những điểm đến đẹp ở Sa Pa. Quan trọng nhất là phải giữ thái độ thân thiện, hiếu khách, để du khách không chỉ quay lại mà còn giới thiệu bạn bè đến với chúng tôi”, ông Thắng chia sẻ.

Không chỉ Tây Bắc, ở Thái Nguyên cũng nổi bật với các mô hình du lịch cộng đồng. Từ năm 2019, anh Triệu Tiến Tư - một người con của thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, đã cùng với một nhóm người dân địa phương mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) Quân Chu và đầu tư xây dựng Quân Chu Farm. 

Tại HTX Quân Chu ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên du khách được trải nghiệm văn hóa người Dao, tham quan các thác nước, dòng suối mát lành và tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống.

Ngoài Quân Chu, các xã lân cận quanh sườn đông Tam Đảo như Cát Nê, Ký Phú, Văn Yên hay La Bằng cũng đang xây dựng các homestay gắn liền với cảnh quan tự nhiên và văn hóa trà đặc trưng. Vùng đất này sở hữu khí hậu mát mẻ, cảnh quan hoang sơ với nhiều thác nước, hồ suối trong xanh là điểm nhấn hút khách.

Việc phát triển du lịch cộng đồng đã huy động được nhiều hộ gia đình cá nhân khác tại địa phương. Các sản phẩm du lịch cũng được xây dựng trên cơ sở khai thác thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên như đồi chè, thác nước dọc sườn Đông Tam Đảo.

Anh Đinh Văn Tới - Chủ cơ sở du lịch La Bằng Homestay cho hay: “Chúng tôi may mắn được chính quyền địa phương hỗ trợ từ kỹ năng làm du lịch đến quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Điều này giúp nhiều người dân như tôi mạnh dạn đầu tư vào loại hình này”.

Cũng theo anh Tới, homestay của anh đã tạo việc làm ổn định cho 10 lao động trong thôn, bao gồm cả các công việc phục vụ, dọn dẹp, hướng dẫn khách và chăm sóc khuôn viên. 

Không chỉ vậy, anh còn thuê thêm khoảng 5 lao động thời vụ vào những mùa cao điểm. Việc này không chỉ giúp homestay vận hành cơ sở tốt hơn mà còn góp phần tạo thu nhập ổn định cho bà con trong xã.

Từ năm 2018 đến nay Thái Nguyên đã có trên 30 mô hình du lịch cộng đồng do các HTX, hộ gia đình làm chủ, trong đó có 6 điểm được tỉnh Thái Nguyên công nhận là điểm du lịch cộng đồng.

“Trong thời gian vừa qua, tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập chung phát triển mạnh đó là xây dựng những sản phẩm, điểm đến du lịch cộng đồng gắn chặt với việc bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thông qua đó thu hút trải nghiệm văn hóa trà cũng như kích cầu hỗ trợ trong việc quảng bá các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, ông Nguyễn Tùng Lâm - Trưởng phòng quản lý du lịch, Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên cho hay.

Từ năm 2018 đến nay Thái Nguyên đã có trên 30 mô hình du lịch cộng đồng do các HTX, hộ gia đình làm chủ, trong đó có 6 điểm được tỉnh Thái Nguyên công nhận là điểm du lịch cộng đồng.

Chia sẻ thêm về định hướng trong thời gian tới, ông Lâm cho biết đơn vị sẽ tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch cộng đồng thông qua việc hỗ trợ các hộ dân cải thiện cơ sở vật chất, đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch và tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quảng bá. 

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú trọng liên kết với các công ty lữ hành để xây dựng các tour, tuyến du lịch đặc sắc, giúp du khách dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm các giá trị văn hóa, ẩm thực và thiên nhiên của địa phương.

Có thể thấy mô hình du lịch cộng đồng không chỉ tạo kinh tế bền vững cho người dân mà du lịch cộng đồng còn đánh thức sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch. Mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ, đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc.

Những thách thức hiện hữu

Mặc dù du lịch cộng đồng đã có mặt ở Việt Nam đã khá lâu, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng mô hình này vẫn đang gặp phải những hạn chế nhất định, đặc biệt là trong việc đảm bảo tính bền vững và chất lượng dịch vụ.

Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đến năm 2020 cả nước đã có khoảng 300 làng, bản, thôn, xóm phát triển du lịch cộng đồng, với hơn 5.000 homestay. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2.000 cơ sở được công nhận đạt chuẩn phục vụ du khách. Điều này cho thấy còn một khoảng cách lớn giữa nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng và chất lượng thực tế của các cơ sở này.

Ông Vũ Văn Tuyên - Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) nhận xét: "Thông thường, để phát triển sản phẩm du lịch, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ thị trường, hành vi khách du lịch và nhu cầu của họ. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng hiện nay lại đi ngược lại quy trình này, dẫn đến những kết quả chưa như kỳ vọng".

Bà Phạm Thị Thơm - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Kavo Travel, cũng chia sẻ thêm: "Du lịch cộng đồng ở nhiều nơi hiện nay đang phát triển theo cách 'có gì làm nấy', thiếu sự tư vấn, quản lý và giám sát chất lượng. 

Điều này dẫn đến tình trạng khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, như việc xây dựng thêm khu lưu trú khi thấy nhu cầu du khách tăng, từ đó phá vỡ cảnh quan tự nhiên và thương mại hóa văn hóa bản địa".

Nhiều chuyên gia cho rằng mô hình du lịch cộng đồng vẫn đang gặp phải những hạn chế nhất định, đặc biệt là trong việc đảm bảo tính bền vững và chất lượng dịch vụ.

Cũng theo ông Tuyên, mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng, nhưng các chính sách này vẫn thiếu sự hướng dẫn chi tiết và bài bản khi được triển khai ở các địa phương. 

Ông cho rằng, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, cần có một đội ngũ nhân lực chuyên trách, sẵn sàng hỗ trợ người dân một cách tận tâm và chi tiết, từ đó đảm bảo sự phát triển đồng bộ và hài hòa.

Đặc biệt, cần có sự quy hoạch và định hướng rõ ràng. Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng cần thực hiện các khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng về khả năng phát triển du lịch tại mỗi điểm đến, từ đó xác định hướng khai thác hợp lý. 

Mô hình du lịch cộng đồng ở các vùng miền cũng phải được điều chỉnh để phù hợp với từng đặc thù địa phương, như ở miền biển hay miền núi, hay thậm chí giữa Tây Bắc và Đông Bắc.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Thơm nhận định: "Hiện nay, nhiều mô hình du lịch cộng đồng vẫn chủ yếu phục vụ du khách với mức chi trả thấp, với thu nhập chủ yếu đến từ việc cung cấp dịch vụ ăn nghỉ giá rẻ, khiến doanh thu chưa cao. 

Tuy nhiên, nhu cầu của du khách hiện nay đang thay đổi. Họ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ cao cấp hơn và mong muốn những trải nghiệm đa dạng hơn. 

Do đó, chủ homestay cần phải biết kết hợp với các doanh nghiệp khác để phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo, từ đó tăng trưởng doanh thu mà vẫn giữ được giá trị văn hóa bản địa".

Mục tiêu của đề án là biến du lịch cộng đồng thành sản phẩm chủ đạo trong hệ thống du lịch quốc gia, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Trước những những khó khăn còn tồn tại, vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã phê duyệt Đề án Phát triển Du lịch cộng đồng tại Việt Nam với những mục tiêu đầy tham vọng và thiết thực. 

Với mục tiêu biến du lịch cộng đồng thành sản phẩm chủ đạo trong hệ thống du lịch quốc gia, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. 

Đề án đặt mục tiêu đến 2025, các điểm du lịch cộng đồng sẽ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, có ít nhất 20% có nhà sinh hoạt cộng đồng và đội văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên. Xa hơn, đến năm 2030, sản phẩm du lịch cộng đồng tại các trung tâm du lịch lớn sẽ được phát.

Đề án cũng nhấn mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như giao thông, điện, nước sạch, cùng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý du lịch. Đồng thời, các điểm du lịch sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy định bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái, như trekking và câu cá, để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Du lịch cộng đồng còn nặng tính tự phát, chưa đi vào thực chấtMột buôn làng của người Ê Đê chính thức trở thành điểm đến du lịch cộng đồng

Ngoài ra, đề án khuyến khích quảng bá du lịch cộng đồng ra thị trường quốc tế, đặc biệt tại các khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, Tây Âu và Australia, nhằm tăng trưởng khách du lịch và nâng cao giá trị sản phẩm.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, đề án đặt trọng tâm vào đào tạo kỹ năng cho người dân tại các điểm du lịch cộng đồng. 

Theo kế hoạch, ít nhất 30% chủ cơ sở du lịch sẽ được đào tạo về quản lý du lịch và nghiệp vụ phục vụ khách. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn trang bị cho người dân những kiến thức cần thiết để bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa.

Bà Hoàng Thị Lan - chủ homestay tại Mai Châu, chia sẻ: "Việc được đào tạo bài bản giúp chúng tôi tự tin hơn khi tiếp đón khách. Đồng thời, chúng tôi cũng học được cách bảo tồn giá trị truyền thống trong hoạt động du lịch, tạo ra sự khác biệt so với các loại hình du lịch khác".

Ông Lý Văn Phương - Chủ homestay Thẳm Ngần (Lâm Bình, Tuyên Quang) bày tỏ: "Chúng tôi kỳ vọng chính sách mới sẽ giúp người dân có thêm nguồn lực để bảo tồn văn hóa, phát triển sinh kế và thu hút nhiều du khách hơn đến với quê hương".

Du lịch cộng đồng không chỉ là câu chuyện phát triển kinh tế mà còn là hành trình bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Đề án của Bộ VHTT&DL là bước đi quan trọng giúp Việt Nam khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và các thế hệ mai sau.

Kim Thoa