Vì sao Bộ Công Thương chưa cấm ngay Temu, 1688 và Shein?

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) lý giải chưa cấm ngay Temu, Shein vì cần đánh giá tổng thể, thận trọng.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vừa cho biết thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Cục đang khẩn trương rà soát tổng thể về tác động, cũng như các giải pháp đối với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, 1688 và Shein để đảm bảo các nền tảng này cần tuân thủ các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam.

Bộ Công Thương đã liên hệ với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới bán hàng mà chưa đăng ký ở Việt Nam

Bộ đã liên hệ và làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam để yêu cầu các nền tảng này thực hiện các bước đăng ký chính thức và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch thông tin và an toàn dữ liệu.

Nếu không thực hiện đầy đủ, Bộ Công Thương sẽ xem xét các biện pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.

Trong bối cảnh quốc tế, các nền tảng này cũng đang chịu áp lực từ các quốc gia khác về tuân thủ pháp lý và chất lượng sản phẩm. Việc đăng ký và tuân thủ các yêu cầu tại Việt Nam là điều cần thiết để đảm bảo môi trường thương mại điện tử công bằng, minh bạch và có trách nhiệm.

Lý giải về việc chưa cấm ngay các sàn TMĐT xuyên biên giới hoạt động mà chưa đăng ký ở Việt Nam, Cục TMĐT và Kinh tế số cho rằng cần được xem xét một cách tổng thể, thận trọng.

Theo đó, cần phải có đánh giá tổng thể về tác động của các nền tảng này đối với thị trường Việt Nam, bao gồm cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và pháp lý.

Điều này bao gồm việc phối hợp quản lý nhiều cơ quan chức năng như công an, thuế, hải quan, và các cơ quan quản lý khác để hiểu rõ về tình hình giao dịch và mức độ vi phạm cũng như tuân thủ pháp luật của các nền tảng này.

Trước mắt, Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp khuyến cáo người tiêu dùng về những rủi ro khi mua sắm từ các sàn này. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao nhận thức về các rủi ro tiềm tàng liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng và các vấn đề pháp lý khác.

Cùng với đó, theo quy định của pháp luật TMĐT, không phải tất cả các sàn TMĐT xuyên biên giới đều thuộc phạm vi điều chỉnh ngay từ đầu.

Do đó, cần có thời gian để làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp ý của các nền tảng này để họ hiểu rõ hơn về các trách nhiệm pháp lý của họ tại Việt Nam, đồng thời làm rõ các kế hoạch tuân thủ quy định trong tương lai.