Đánh giá nhanh việc Fed chính thức lộ trình hạ lãi suất - tác động đối với kinh tế - tài chính thế giới và Việt Nam

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng động thái của Fed sẽ có nhiều tác động đối với kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong đó riêng với Việt Nam, một trong những tác động là tích cực đối với TTCK và dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
Nhóm chuyên gia
88 bài viết
Ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam năm nay sẽ tăng 5,5-6%. Ở kịch bản tích cực hơn, tăng trưởng cả năm có khả năng đạt 6-6,5%.
Tại: Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1 và dự báo cả năm 2023
Phân chia theo khẩu vị rủi ro từ thấp tới cao, kênh tiền gửi tiết kiệm và vàng vẫn được coi là an toàn, nhất là kênh gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn đối với nhiều NĐT trong bối cảnh lãi suất huy động được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023.
Tại: Triển vọng các kênh đầu tư năm 2023

LTS: TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo Đánh giá nhanh về việc Fed chính thức lộ trình hạ lãi suất và những tác động đối với kinh tế - tài chính thế giới cũng như Việt Nam. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn báo cáo để quý độc giả tiện theo dõi.

------------

Sau cuộc họp thường kỳ tháng 9 (ngày 17-18/9/2024, theo giờ Mỹ), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm (FedFunds rate) 0,5 điểm %, đưa lãi suất này về mức 4,75-5%; và tuyên bố sẽ tiếp tục tiến trình hạ lãi suất (dự kiến giảm thêm 0,5 điểm % nữa từ nay đến hết năm 2024), giảm thêm 1 điểm % trong năm 2025 và thêm khoảng 0,5 điểm % năm 2026, đưa lãi suất điều hành về mức 3-3,5% cuối năm 2026. Đây là lần đầu tiên Fed cắt giảm lãi suất kể từ tháng 3/2020, sau 11 lần tăng lãi suất liên tục từ tháng 3/2022, và giữ nguyên mức kỷ lục 5,25-5,5% kể từ tháng 7/2023 đến nay; đưa ra tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ của Fed theo hướng nới lỏng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm song vẫn kiểm soát được rủi ro lạm phát.

Bối cảnh kinh tế Mỹ

Tình hình kinh tế vĩ mô của Mỹ tương đối ổn định, phục hồi khá sau giai đoạn dịch Covid-19. Kinh tế Mỹ năm 2023 tăng trưởng khá 2,5% (từ mức tăng 1,9% năm 2022) và 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng tích cực (tăng trưởng GDP quý II đạt 3%, cao hơn mức công bố ban đầu 2,8%, cao hơn 2 lần so với quý I (1,4%) và dự báo khoảng 3% trong quý III). Dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể đạt 2,5-2,7% cả năm 2024 và giảm đà xuống còn 1,8-2% năm 2025. Lạm phát tổng thể giảm bền vững về mức 2,9% của tháng 7 và 2,5% trong tháng 8, gần sát với mức mục tiêu 2%; (iii) chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cũng giảm về mức 2,5% (tháng 7) và dự báo 2,4% trong tháng 8, cũng gần sát mục tiêu 2% (theo Bộ Thương mại Mỹ).

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ phải đối mặt với một số khó khăn đang lớn dần như: (i) lĩnh vực sản xuất thiếu ổn định khi thu hẹp 2 tháng liên tục; chỉ số PMI sản xuất tháng 8 giảm về mức 47,9 điểm (từ mức 49,6 điểm của tháng 7); (ii) tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, khoảng 4,2% trong tháng 8, dù giảm nhẹ so với mức 4,3% của tháng 7; (iii) tâm lý phòng thủ của người dân khiến sức cầu tiêu dùng còn yếu trong khi chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới…v.v.

Ba lý do chính khiến Fed quyết định giảm mạnh lãi suất 0,5 điểm %

Động thái đảo chiều chính sách, bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất của Fed lúc này bởi 3 lý do chính: (i) Lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE - là chỉ số được Fed rất quan tâm khi điều chỉnh lãi suất) tại Mỹ dần hạ nhiệt về mức mục tiêu 2% một cách bền vững", là tiền đề để Fed xem xét, điều chỉnh chính sách tiền tệ, hạ lãi suất nhằm hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu; trong bối cảnh trước đó, tính đến nay, một số NHTW lớn như NHTW châu Âu (ECB) đã hai lần hạ lãi suất (mỗi lần 0,25 điểm % vào tháng 6 và tháng 9), NHTW Anh, Canada, Thụy Sỹ…đã hạ lãi suất 0,25 điểm %; NHTW Trung Quốc hạ 0,10 điểm %; (ii) hiện kinh tế Mỹ duy trì đà phục hồi nhưng tỷ lệ thất nghiệp còn cao (4,2% trong tháng 8) và tiêu dùng còn yếu; (iii) rủi ro tài khóa và tài chính của Mỹ vẫn ở mức cao với nợ công đạt đỉnh (124% GDP) và nợ tư (145% GDP) cuối tháng 6/2024 (theo Fed). Việc giảm lãi suất điều hành kéo theo nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp giảm theo, giảm dần rủi ro tài chính, giúp kinh tế Mỹ phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn.

Việc Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % được đánh giá phù hợp với kỳ vọng của thị trường trong một vài tuần gần đây, mặc dù có thể hơi bất ngờ đối với dự báo của một số nhà đầu tư, giới chuyên gia khi vẫn nghiêng về khả năng cắt giảm lãi suất 0,25 điểm %. Theo Nhóm nghiên cứu, có 3 lý do chính cho sự cắt giảm 0,50 điểm % lần này: (i) tình hình lạm phát Mỹ đã hạ nhiệt "bền vững"; (ii) kinh tế Mỹ, đặc biệt là vấn đề việc làm và lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng không được tốt như kỳ vọng (như đã phân tích ở trên); (iii) Fed dường như đã hơi chậm so với một số NHTW lớn khác trong việc cắt giảm lãi suất. Hơn nữa, trong bối cảnh từ nay đến cuối năm 2024, chỉ còn 2 kỳ họp vào tháng 11 và tháng 12, do đó Fed cũng cần hành động "mạnh hơn" trong việc cắt giảm lãi suất lần này, để có thể theo đúng lộ trình chính sách trong năm 2024 và tiếp theo.

Đánh giá nhanh việc Fed chính thức lộ trình hạ lãi suất - tác động đối với kinh tế - tài chính thế giới và Việt Nam- Ảnh 1.

Sau cuộc họp thường kỳ tháng 9 (ngày 17-18/9/2024), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm 0,5 điểm %, đưa lãi suất này về mức 4,75-5%

Bốn tác động đối với kinh tế - tài chính toàn cầu

- Một là, lãi suất điều hành giảm chính là tín hiệu, định hướng để các loại lãi suất khác (tiết kiệm, cho vay, đầu tư) giảm theo, qua đó góp phần kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, doanh nghiệp trong trung hạn trong khi lạm phát trong tầm kiểm soát trong bối cảnh giá hàng hóa toàn cầu tương đối ổn định trong thời gian qua và sắp tới.

- Hai là, góp phần giảm mặt bằng lãi suất, chi phí vốn nợ và đầu tư. Việc Fed giảm lãi suất cũng là động lực để NHTW các nước lớn (trừ Nhật Bản) tiếp đà giảm lãi suất, qua đó giảm mặt bằng chung của lãi suất, chi phí vốn nợ và đầu tư, nhất là trong bối cảnh nợ công và nợ tư của nhiều quốc gia (trong đó có Mỹ) đang ở mức cao. Lãi suất giảm vừa góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ, giảm rủi ro tài chính, vừa kích cầu vay mới phục vụ đầu tư, sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng, kích thích tăng trưởng.

- Ba là, giảm áp lực tỷ giá, tạo tâm lý yên tâm hơn đối với nhà nhập khẩu, nhà đầu tư. Fed giảm lãi suất kéo theo đồng USD giảm giá, một mặt góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, mặt khác giảm áp lực tỷ giá đối với nhiều đồng tiền (nhiều đồng tiền đã tăng giá trở lại, trong đó có VND), góp phần giảm chi phí nhập khẩu, rủi ro tỷ giá, tạo tâm lý yên tâm hơn cho nhà khẩu khẩu và nhà đầu tư (kể cả dòng vốn FDI). Thực tế, chỉ số đồng USD giảm 4,6% và nhiều đồng tiền như JPY tăng giá khoảng 10%, VND tăng giá 3% (so với USD) trong vòng 3 tháng qua (theo Bloomberg).

- Bốn là, đối với thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu, trong ngắn hạn, việc Fed hạ lãi suất mạnh này không gây xáo trộn lớn do việc này được thực hiện theo lộ trình và đã được thị trường dự báo trước. Vì thế, ngay sau quyết định của Fed, TTCK của Mỹ và nhiều quốc gia bật tăng (do khớp với kỳ vọng), nhưng sau đó quay đầu giảm nhẹ hoặc tăng không đáng kể (các chỉ số TTCK Mỹ giảm từ 0,25-0,3% trong ngày 18/9 giờ Mỹ, chỉ số Shanghai giảm 0,25% trong khi chỉ số Nikkei 225 tăng 2%, Hangseng tăng 0,22%...). Có thể lý giải hiện tượng này là sau khi tâm lý hứng khởi, phấn kích qua đi, thị trường đã tĩnh tâm hơn, nhất là khi thấy Fed giảm lãi suất khá mạnh tay, dự báo kinh tế Mỹ đang và sẽ tăng trưởng chậm lại (dù không suy thoái)…v.v.

Trong trung hạn, quan sát biến động của TTCK sau động thái bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất của Fed trước đây, chứng khoán Mỹ tăng khoảng 5% sau 3 tháng và khoảng 11% sau 12 tháng. Tuy nhiên, với chu kỳ hạ lãi suất lần này, Nhóm nghiên cứu dự báo mức tăng của chứng khoán Mỹ sẽ thấp hơn, khoảng 3-4% sau 3 tháng và khoảng 5-7% sau một năm sau khi đã tăng mạnh thời gian qua.

Bốn tác động đối với kinh tế - tài chính Việt Nam

- Thứ nhất, lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm sẽ kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, giúp kinh tế thế giới giữ đà tăng trưởng và bền vững hơn, kích cầu hàng hóa - dịch vụ, từ đó thúc đẩy nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao và Mỹ, Châu Âu là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của VN sang Mỹ tăng 25,4%, chiếm 29%; sang Châu Âu 18,5%, chiếm 13% tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam…). Cùng với đó, kỳ vọng dòng vốn FDI vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam cũng sẽ tăng lên.

- Thứ hai, giảm áp lực tỷ giá: việc Fed giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD xuống giá so với hầu hết các đồng tiền khác (trong đó có VND) làm giảm sức ép tỷ giá USD/VND (như nêu trên). Thực tế là thị trường đã chiết khấu một phần lớn, tỷ giá hạ nhiệt từ mức tăng khoảng 4,9% hồi cuối tháng 5/2024 xuống còn 1,6% hết ngày 18/9/2024. Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ chỉ tăng khoảng 1,3-1,7% cả năm 2024.

Việc tỷ giá ổn định hơn góp phần giảm chi phí nhập khẩu trong khi tác động không nhiều đổi với xuất khẩu của Việt Nam do cấu trúc nền kinh tế. Nghiên cứu năm 2022 về mối quan hệ giữa tỷ giá và cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2006-2021 của Nhóm nghiên cứu cho thấy mối quan hệ này là khá lỏng lẻo khi mà tỷ giá biến động tác động không nhiều đến xuất nhập khẩu của Việt Nam vì 2 lý do: (i) xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là của khối doanh nghiệp FDI (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011-2022); theo đó, để xuất khẩu, khối doanh nghiệp này phải nhập khẩu tương ứng (chiếm khoảng 55% tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam) cho dù tỷ giá thay đổi (khối DN này cũng có lợi thế về nguồn vốn USD từ công ty mẹ); (ii) doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngày càng quan tâm, có nhiều công cụ hơn để kiểm soát rủi ro tỷ giá (bao gồm cả các công cụ phái sinh).

- Thứ ba, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vốn nợ và đầu tư bằng ngoại tệ của doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc Fed giảm lãi suất sẽ làm cho lãi suất toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt như nêu trên. Tại Việt Nam, lãi suất ngoại tệ (nhất là bẳng đồng USD và EUR) giảm, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất nói chung (trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng), giảm chi phí vốn vay bằng ngoại tệ đối với cả vốn vay cũ và mới (theo NHNN, mức độ đô la hóa hay vay nợ bằng USD của Việt Nam hiện chiếm khoảng 6,4% tổng dư nợ cho nền kinh tế). Ngoài ra, chi phí vốn vay của Chính phủ và doanh nghiệp FDI bằng ngoại tệ cũng giảm một phần. Điều này vừa góp phần giảm rủi ro nợ vay vừa kích cầu tín dụng, đầu tư trong thời gian tới.

- Thứ tư, tác động tích cực đối với TTCK và dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Trong 8 tháng đầu năm, TTCK Việt Nam tiếp tục phục hồi dù còn nhiều thách thức. Chỉ số VNIndex hiện đang ở mức 1.283,9 điểm, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 13,6% so với đầu năm. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm nhà đầu tư (NĐT) ngoại đã bán ròng 64 nghìn tỷ đồng (2,6 tỷ USD), một phần là do chênh lệch lãi suất USD/VND còn cao thời gian qua. Khi Fed và NHTW các nước phát triển bắt đầu tiến trình hạ lãi suất, chênh lệch lãi suất sẽ giảm, xu hướng rút vốn từ các thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro, hưởng chênh lệch lãi suất, sẽ giảm dần. Hơn nữa, giá chứng khoán Việt Nam hiện nay đang tương đối hấp dẫn và kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng từ mới nổi lên cận biên bởi Tổ chức FTSE Russel trong năm 2025...v.v. Thực tế là từ đầu tháng 9/2024 đến nay, xu hướng mua ròng của NĐT ngoại đã bắt đầu tăng trở lại.

Đánh giá nhanh việc Fed chính thức lộ trình hạ lãi suất - tác động đối với kinh tế - tài chính thế giới và Việt Nam- Ảnh 2.

Fed giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD xuống giá so với hầu hết các đồng tiền khác (trong đó có VND) làm giảm sức ép tỷ giá USD/VND

Ba kiến nghị đối với Việt Nam

Như trên đã phân tích, việc Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ (giảm lãi suất) cơ bản là tác động tích cực đối với kinh tế - tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro, thách thức khó lường; để đảm bảo thực hiện được mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc Hội, Chính phủ đã đề ra, Nhóm nghiên cứu có 3 kiến nghị như sau.

Một là, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP ngày 5/1/2024; các Nghị quyết của Đảng, Quốc Hội, các nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ gần đây, nhất là sớm khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vừa qua; tiếp tục bám sát, chủ động phân tích, dự báo và có kịch bản ứng phó phù hợp đối với tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc, rào cản; tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa thị trường tài chính, bất động sản, thị trường vàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cả năm 2024 và tiếp theo.

Hai là, nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, chính sách tài khóa tiếp tục giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu. Chính phủ chỉ đạo, điều hành đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (nhất là lương thực - thực phẩm, điện, xăng dầu...) gắn với lộ trình, thời điểm phù hợp khi tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, tăng cường kiểm tra - giám sát thị trường và truyền thông nhằm giảm thiểu đầu cơ, găm hàng và hiện tượng "té nước theo mưa" khi cung hàng bị ảnh hưởng do bão lũ vừa qua và khi triển khai lộ trình tăng lương.

Ba là, kiên định chính sách tiền tệ như thời gian qua, trong đó tiếp tục linh hoạt sử dụng nhiều công cụ khác nhau nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối, thị trường vàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong mục tiêu. Chính phủ tiếp tục ưu tiên các giải pháp nâng hạng TTCK nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển, phân bổ tài sản đầu tư quốc tế cũng như kiểm soát rủi ro trong chu kỳ lãi suất giảm như nêu trên.