Hàng loạt đơn vị 'khủng' ở Việt Nam ráo riết chuẩn bị nguồn lực, chạy đà cho siêu dự án 67,3 tỷ USD

Nhiều doanh nghiệp Việt bày tỏ sẵn sàng, khẳng định muốn thử sức làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tập đoàn nào ở Việt Nam quan tâm tới dự án đường sắt tốc độ cao?

Liên quan đến khả năng và cơ hội tham gia vào dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, mới đây, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4, chia sẻ trên báo Giao Thông nhấn mạnh rằng,  "Cienco4 có đủ tự tin để tham gia vào dự án. Với năng lực, kinh nghiệm của mình, mong muốn của Cienco4 là tham gia hầu hết các hạng mục từ phần hạ tầng xây dựng đến thiết bị".

Ông Huỳnh cũng chia sẻ rằng, lợi thế của Cienco4 nằm ở việc đã từng tham gia các dự án lớn như metro Bến Thành - Suối Tiên và Cát Linh - Hà Đông. Điều này giúp doanh nghiệp không chỉ xây dựng được một hệ thống quản lý vận hành chuyên nghiệp mà còn sở hữu đội ngũ kỹ sư, công nhân lên đến hàng nghìn người. 

Đồng thời, công ty cũng đang tích cực đào tạo thêm nhân sự và hợp tác với các đối tác nước ngoài từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin), nhấn mạnh với báo trên rằng với gần 2.000 nhân sự, trong đó hơn 60% là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp có thể tự tin làm chủ các công nghệ thi công hiện đại, đặc biệt là các công trình cầu phức tạp. 

Ông tin tưởng rằng, nếu được tham gia, Phương Thành hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Ở mảng tư vấn, ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), tiết lộ rằng TEDI đã xác định hướng đi chuyên nghiệp trong lĩnh vực đường sắt từ ba năm trước. Đơn vị đã đào tạo gần 100 kỹ sư chuyên sâu và dự kiến sẽ có thêm 300 kỹ sư hoàn thành khóa đào tạo vào cuối năm 2025, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của dự án.

Cũng quan tâm đặc biệt tới dự án này, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, để chuẩn bị cho hướng đi chiến lược này trong 5 - 10 năm tới, Đèo Cả đã hợp tác với nhiều trường đại học nhằm đào tạo nhân lực chuyên sâu về đường sắt và metro. 

Mới đây, Tập đoàn này cũng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó mong muốn được tạo điều kiện tham gia dự án quan trọng này và đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án giao thông trọng điểm khác.

Hàng loạt đơn vị 'khủng' ở Việt Nam ráo riết chuẩn bị nguồn lực, chạy đà cho siêu dự án 67,3 tỷ USD- Ảnh 1.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả trong buổi làm việc với Thủ tướng. Ảnh: VGP

Theo Đèo Cả, Chính phủ cần phải có cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp tục tham gia Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị việc tổ chức thực hiện cần tách thành hai hợp phần:

Hợp phần 1 bao gồm các hạng mục cầu, đường, hầm cần giao cho doanh nghiệp trong nước thực hiện tương tự các dự án đường bộ cao tốc vừa qua.

Hợp phần 2 bao gồm phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu,… giao cho Doanh nghiệp trong nước liên danh với Doanh nghiệp nước ngoài.

Trước Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Hòa Phát nhiều lần khẳng định đủ năng lực sản xuất ray đường sắt tốc độ cao phục vụ dự án. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều thời gian để báo cáo về khả năng tham gia của doanh nghiệp vào dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia là đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Hàng loạt đơn vị 'khủng' ở Việt Nam ráo riết chuẩn bị nguồn lực, chạy đà cho siêu dự án 67,3 tỷ USD- Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long làm việc với Thủ tướng. Ảnh: VGP

Về khả năng cung cấp đường ray cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ông Long cho biết: “Từ hai ba năm nay chúng tôi đã nghiên cứu dòng sản phẩm này. Tôi khẳng định việc sản xuất thép đường ray hoàn toàn nằm trong khả năng của Hòa Phát".

"Nếu Chính phủ, Thủ tướng giao cho doanh nghiệp làm, thì Hòa Phát có thể làm nhiều loại thép cung cấp cho dự án, không riêng thép đường ray”, ông Long khẳng định.

Tập đoàn Hòa Phát dự kiến sẽ sản xuất thép đường ray cao tốc với kích thước mỗi thanh ray dài từ 50 m đến 100 m ở nhà máy luyện kim và sản xuất thép của tập đoàn tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Tạo chuỗi cung ứng nội địa cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Trong bản báo cáo Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2024, phương hướng những tháng cuối năm và năm 2025, trong đó có nội dung về hạ tầng giao thông tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ xây dựng chính sách thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phụ trợ để tham gia sâu vào quá trình xây dựng, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Như vậy, các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ nội địa như sản xuất vật liệu, linh kiện cơ khí, công nghệ thông tin, vận tải logistics, sẽ sớm có chính sách khuyến khích để phát triển mạnh mẽ hơn, tạo chuỗi cung ứng nội địa cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Hàng loạt đơn vị 'khủng' ở Việt Nam ráo riết chuẩn bị nguồn lực, chạy đà cho siêu dự án 67,3 tỷ USD- Ảnh 3.

Thủ tướng trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án mang tính chiến lược về hạ tầng giao thông, năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu... Đặc biệt, tích cực hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong năm 2025.

Hàng loạt đơn vị 'khủng' ở Việt Nam ráo riết chuẩn bị nguồn lực, chạy đà cho siêu dự án 67,3 tỷ USD- Ảnh 4.

Ảnh minh họa dự án đường sắt tốc độ cao bằng AI ChatGPT

Dự kiến ngày 13/11, Chính phủ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đến 30/11 - ngày cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận hội trường về nội dung này.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM) với tổng vốn đầu tư 67,3 tỷ USD.