Đề xuất tội danh 'Rửa tiền' khi tội phạm tham nhũng tẩu tán tài sản

Theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM Ngô Phạm Việt, trong quá trình giải quyết vụ án, đối với tội phạm tham nhũng tẩu tán tài sản mà không có ý chí khắc phục, Viện Kiểm sát sẽ đề xuất khởi tố tội "Rửa tiền".

Trao đổi tại tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM”, do Ban Nội chính Thành ủy TPHCM phối hợp báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sáng 11/10, ông Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TPHCM cho biết, ngay từ khi kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát viên, cán bộ kiểm sát chủ động nghiên cứu đề ra yêu cầu xác minh, kiểm tra thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ dấu hiệu hình sự, xác định tài sản bị chiếm đoạt.

Đề xuất tội danh 'Rửa tiền' khi tội phạm tham nhũng tẩu tán tài sản- Ảnh 1.

Ông Ngô Phạm Việt trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Ngô Tùng

Viện Kiểm sát cũng tiến hành xác minh, kiểm soát, ngăn chặn tài sản liên quan đến dấu hiệu tội phạm, xác minh quan hệ nhân thân đối tượng nhằm truy vết tài sản liên quan cần xác minh; vận động, thuyết phục đối tượng tự nguyện nộp khắc phục hậu quả.

“Trong quá trình giải quyết vụ án, đối với tội phạm tham nhũng tẩu tán tài sản mà không có ý chí khắc phục, Viện Kiểm sát sẽ đề xuất khởi tố tội rửa tiền ”, ông Việt nhấn mạnh.

Ngoài ra, Viện KSND TPHCM cũng tiến hành kiểm soát các biện pháp ngăn chặn giao dịch, phong tỏa tài khoản, khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật, tạm hoãn xuất cảnh, trưng cầu giám định, định giá tài sản, xác minh quyền sở hữu tài sản liên quan đến hành vi phạm tội và việc chuyển dịch các tài sản này, trước, trong, sau thời gian phạm tội. Qua đó kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp.

Bên cạnh đó, trong quá trình xét xử vụ án hình sự, Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân cũng chú trọng việc xét hỏi, tranh luận làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo và tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt đã được sử dụng, chuyển hóa, nhằm áp dụng các biện pháp thu hồi chính xác, triệt để.

Cũng theo ông Ngô Phạm Việt, trong xét xử cần chỉ rõ việc tự nguyện khắc phục hậu quả là cơ sở để xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo và được hưởng sự khoan hồng, để bị cáo, người liên quan, gia đình họ chủ động, tích cực khắc phục hậu quả hơn.

“Có thể thấy, vận động bị cáo và gia đình bị cáo chủ động khắc phục hậu quả trước hoặc ngay tại phiên tòa để làm cơ sở xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điều này vừa thể hiện tính khoan hồng của pháp luật, vừa nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản”, ông Việt nói và dẫn chứng từ vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm, Viện Kiểm sát đã thu hồi được hơn 7,8 tỷ đồng do các bị can và thân nhân tự nguyện nộp khắc phục hậu quả, trong 30 ngày truy tố.

Xây dựng hành lang pháp lý cho việc thu hồi tài sản

Đề xuất tội danh 'Rửa tiền' khi tội phạm tham nhũng tẩu tán tài sản- Ảnh 2.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng. Ảnh: Ngô Tùng

Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TPHCM nhìn nhận, giai đoạn phát hiện, kê biên và thu hồi tài sản tại cơ quan điều tra Công an TPHCM gặp không ít khó khăn.

Về mặt pháp lý, việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo và phong toả tài sản chỉ áp dụng với người bị buộc tội, tài sản tịch thu phải liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong đó việc kê biên và phong toả số tiền trong tài khoản phải tương ứng.

Theo ông Lăng, việc này rất khó xác định bởi trong giai đoạn tiền tố tụng, kể cả trong giai đoạn điều tra, lên tin báo, tiến hành khởi tố vụ án đều khó xác định vì các dòng tiền đan xen nhau, đòi hỏi cơ quan điều tra phải rất thận trọng trong việc xác định.

Trong khi đó, theo quy định, trong quá trình khởi tố điều tra, khi bị can mất tích hoặc các đối tượng liên quan bỏ trốn và chưa xác định được thì phải đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, dẫn đến rất khó khăn trong xác định hậu quả thiệt hại để thu hồi tài sản.

Còn trong thực tiễn, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia đang dần hoàn thiện với rất nhiều trường dữ liệu để phục vụ việc thu hồi tài sản. Tuy nhiên, trường dữ liệu kết nối đất đai, tài khoản ngân hàng … mới chỉ có số ít nên gây khó khăn trong việc xác định thu hồi tài sản.

Do đó, Thượng tá Ngô Thuận Lăng đề nghị cần xây dựng hành lang pháp lý nhằm tạo cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc phục vụ các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ được minh bạch, quyết liệt hơn. Đồng thời cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị khi không thực hiện phải cung cấp và trao đổi thông tin, hỗ trợ cho cơ quan xác định các tài sản phạm tội, phục vụ cho công tác kê biên và thu hồi tài sản.

Link nội dung: https://phunucuocsong.vn/de-xuat-toi-danh-rua-tien-khi-toi-pham-tham-nhung-tau-tan-tai-san-10241.html