Di tích cấp quốc gia ở Đồ Sơn chỉ còn đống đổ nát

Đó là Di tích Bến Nghiêng trên địa bàn phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng. Nơi đây là nhân chứng lịch sử chứng kiến tên lính Pháp cuối cùng xuống tàu rời khỏi miền Bắc ngày 15/5/1955.

Một sớm giữa tháng 10/2024, phóng viên có mặt tại Di tích lịch sử - kháng chiến cấp quốc gia Bến Nghiêng dưới chân đồi Nghing Phong trên địa bàn phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải.

Mặc dù bão số 3 đã qua hơn 1 tháng, nhưng nơi đây vẫn hằn rõ sự tàn phá khủng khiếp. Nhiều cây lớn nghiêng ngả, đổ gãy do bão vẫn còn ngổn ngang. Đặc biệt, khu vực bia chứng tích bị san phẳng chỉ còn đống gạch vụn. Bờ kè Bến Nghiêng nhiều nơi bị sụt lún, những mảng bê tông lớn nham nhở, xộc xệch.

Di tích cấp quốc gia ở Đồ Sơn chỉ còn đống đổ nát- Ảnh 1.

Di tích lịch sử - kháng chiến cấp quốc gia Bến Nghiêng ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, bị bão số 3 san phẳng (Ảnh: Thái Phan).

Di tích Bến Nghiêng là 1 trong 3 di tích nổi tiếng ở quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, liên quan đến 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, cùng với Bến tàu không số K15 và Kho Xăng.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Tp.Hải Phòng, Di tích Bến Nghiêng được thực dân Pháp xây dựng năm 1950 để phục vụ mưu đồ xâm lược trở lại nước ta. Bến được xây dựng thoai thoải từ mặt nước lên bờ cho xe tăng đổ bộ, nên được người dân gọi là Bến Nghiêng. Sau đó, cái tên này đã trở thành tên chính thức.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) được ký năm 1954 về chấm dứt chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, ngày 15/5/1955, những tên lính Pháp cuối cùng lên tàu tại Bến Nghiêng rời khỏi miền Bắc.

Di tích cấp quốc gia ở Đồ Sơn chỉ còn đống đổ nát- Ảnh 2.

Khu vực Bến Nghiêng xuống cấp, nhiều mảng bê tông bong tróc, nham nhở (Ảnh: Thái Phan).

Sau này, Tp.Hải Phòng cho dựng bia chứng tích ghi dấu sự kiện lịch sử này. Bia được dựng ngay cạnh Bến Nghiên và được hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025). Đến ngày 22/1/2009, Bến Nghiêng được xếp hạng là Di tích lịch sử - kháng chiến cấp quốc gia theo Quyết định số 321/QĐ- BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Trải qua thời gian và sự tàn phá của sóng, gió biển, Di tích Bến Nghiêng xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, khu vực bia chứng tích được xây từ năm 2005 cỏ dại mọc um tùm, loang lổ rêu phong. Phần bờ kè tạo nên tên gọi Bến Nghiêng bị sụt lún nhiều chỗ.

Trước thực trạng này, năm 2021, các cơ quan chức năng liên quan của Tp.Hải Phòng đã tiến hành khảo sát, sau đó lên dự toán tu bổ, tôn tạo và báo cáo UBND thành phố.

Đến giữa năm 2023, UBND Tp.Hải Phòng ban hành Kế hoạch 173/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND thành phố về việc công trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2027.

Di tích cấp quốc gia ở Đồ Sơn chỉ còn đống đổ nát- Ảnh 3.

Di tích lịch sử - kháng chiến cấp quốc Bến Nghiêng ở quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, chỉ còn là đống gạch vụn sau bão số 3 (Ảnh: Thái Phan).

Theo đó, Tp.Hải Phòng chi 103 tỷ đồng hỗ trợ trùng tu, tôn tạo 73 di tích cấp quốc gia. Di tích Bến Nghiêng là 1 trong 30 di tích được công trợ ở mức 2 tỷ đồng để thực hiện việc trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, trong khi chờ trùng tu, tôn tạo, Di tích Bến Nghiêng đã bị bão số 3 san phẳng.

Ngôi đền thiêng được từng đàn cá heo tới chầu bái ở Đồ Sơn

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, cho biết, UBND quận Đồ Sơn đã xây dựng kế hoạch, mời đơn vị tư vấn thiết kế, trình thành phố phê duyệt phương án trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử - kháng chiến cấp quốc gia Bến Nghiêng.

"Trước thực trạng Di tích Bến Nghiêng bị đổ do bão số 3, UBND quận Đồ Sơn đang đẩy nhanh tiến độ để sớm tiến hành việc trùng tu, tôn tạo. Qua đó, phát huy giá trị "địa chỉ đỏ" trong giáo dục truyền thống yêu nước đối với người dân địa phương và du khách, nhất là thế hệ trẻ", ông Phạm Hoàng Tuấn nói.

Link nội dung: https://phunucuocsong.vn/di-tich-cap-quoc-gia-o-do-son-chi-con-dong-do-nat-10330.html