Shark Phi Vân chỉ ra ba bài học nếu muốn thắng khi kinh doanh nhượng quyền: "Startup Việt phải giữ tính bản địa"

Trong tập cuối Shark Tank, Shark Nguyễn Phi Vân - chuyên gia nhượng quyền chia sẻ ba kinh nghiệm giúp startup Việt thành công nếu muốn theo đuổi mô hình kinh doanh này.

Sau hơn 3 tháng phát sóng, Shark Tank mùa 7 khép lại với 25 thương vụ gọi vốn thành công trên sóng truyền hình. Tổng số tiền các Shark ra deal là hơn 180 tỷ đồng. Trong tập phát sóng cuối, các cá mập cũng đưa ra lời khuyên giúp startup có thể phát triển doanh nghiệp của mình.

Tại Shark Tank, Shark Vân tự định vị bản thân là "Shark Franchise", đồng nghĩa, bà luôn đi tìm các mô hình nhượng quyền có thể mở rộng ở Việt Nam và trên thế giới". Chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ theo đuổi mô hình khởi nghiệp nhượng quyền, nữ cá mập này đưa ra ba lời khuyên.

Thứ nhất, những mô hình có tính bản địa cao của Việt Nam. Điều này giúp khi phát triển ra thế giới, người nước ngoài rất thích bởi có tính đặc thù, đặc sản. Thứ hai, startup cần có cơ cấu về mô hình tài chính hấp dẫn. Cuối cùng là tính bền vững, đồng nghĩa, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn, phải có sự đầu tư nghiêm túc để xây dựng mô hình có khả năng nhân rộng.

Shark Phi Vân chỉ ra ba bài học nếu muốn thắng khi kinh doanh nhượng quyền: "Startup Việt phải giữ tính bản địa"- Ảnh 1.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo Shark Vân, để kinh doanh nhượng quyền thành công và tìm được mô hình có thể nhân rộng không dễ. Bởi startup cần đáp ứng yếu tố như sản phẩm độc đáo, mô hình rõ ràng để mở rộng ở thị trường nội địa và thế giới. Bên cạnh đó, mô hình tài chính  cần hiệu quả để khi nhượng quyền, đối tác thấy được lợi ích khi đầu tư.

"Cuối cùng, để kinh doanh nhượng quyền theo chuỗi cần một nhà quản trị xuất sắc, phải xây dựng được hệ thống hỗ trợ đối tác nhượng quyền rất chuyên nghiệp", bà Vân nhấn mạnh.

Tổng kết mùa 3, Shark Phi Vân quyết định ra deal cho bốn thương vụ với tổng số tiền đầu tư hơn 8,3 tỷ đồng.

Ngoài Shark Vân, sư tử Đức -Tillman Schulz cũng chia sẻ khẩu vị đầu tư của mình. Doanh nhân này thích các công ty khởi nghiệp hoặc các nhà sáng lập có ý tưởng về các con số. Điều này đồng nghĩa, sản phẩm cần cụ thể về giá mua – bán, lợi nhuận gộp, lợi nhuận ròng, kế hoạch xuất khẩu, cách sử dụng tiền nếu startup nhận được thỏa thuận đầu tư.

“Ngoài ra, các startup Việt nên trau dồi tiếng Anh tốt hơn để giao thương khi ra thị trường thế giới”, doanh nhân Đức nói.

Tại Shark Tank mùa 7, ông Tillman Schulz đã cam kết đầu tư 1 thương vụ với giá trị đầu tư 2 tỷ đồng và cam kết hỗ trợ 1 startup đưa sản phẩm đến các đối tác. Song song, cá mập này cũng đánh giá cao tiềm năng của thị trường khởi nghiệp Việt Nam và cho rằng “rất nhiều công ty đang muốn đầu tư tiền”.

Shark Phi Vân chỉ ra ba bài học nếu muốn thắng khi kinh doanh nhượng quyền: "Startup Việt phải giữ tính bản địa"- Ảnh 2.

Ngoài ra, kết thúc mùa 7, Shark Bình chốt 11 deal với giá trị đầu tư là hơn 73 tỷ đồng. Theo sau, Shark Minh Beta chốt đầu tư thành công 12 thương vụ với tổng giá trị đầu tư hơn 49 tỷ đồng. Shark Hưng có 5 deal với giá trị hơn 8,7 tỷ đồng.

Trong 2 vị “cá mập mới” còn lại, Shark Thái đã có 6 thương vụ thành công với giá trị đầu tư là hơn 25 tỷ đồng. Shark Lê Mỹ Nga đầu tư 5 thương vụ với giá trị đầu tư 13,6 tỷ đồng.

Link nội dung: https://phunucuocsong.vn/shark-phi-van-chi-ra-ba-bai-hoc-neu-muon-thang-khi-kinh-doanh-nhuong-quyen-startup-viet-phai-giu-tinh-ban-dia-11748.html