Cựu Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam nhận hối lộ gần 25 tỷ đồng như thế nào?

Viện KSND Tối cao cáo buộc ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhiều lần nhận hối lộ tổng số tiền 24,9 tỷ đồng để tạo điều kiện cho hai công ty tham gia cung cấp giấy in.

8 bị can bị truy tố 3 tội

Ngày 5/11, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 8 bị can trong vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam.

Trong đó, bị can Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB) bị truy tố tội "Nhận hối lộ".

Các bị can Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phùng Vĩnh Hưng) và Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty Giấy Minh Cường Phát) bị truy tố tội "Đưa hối lộ".

5 bị can còn lại, gồm: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Trưởng Ban Kế hoạch Maketing - NXB); Đinh Quốc Khánh (cựu Phó Trưởng phòng in - NXB); Phạm Gia Thạch (cựu thành viên Hội đồng thành viên); Lê Hoàng Hải (cựu Phó tổng giám đốc NXB ); Hoàng Lê Bách (cựu Phó tổng giám đốc NXB) bị truy tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Cựu Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam nhận hối lộ gần 25 tỷ đồng như thế nào?- Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Đức Thái khi còn đương chức.

Liên tiếp nhận hối lộ tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Theo cáo trạng, việc mua giấy in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của NXB Giáo dục Việt Nam, sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Trước năm 2017, đơn vị này đều áp dụng hình thức "chào giá".

Từ năm 2017 trở đi, ông Thái được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm đại diện pháp luật của NXB Giáo dục Việt Nam, có quyền quyết định trong việc mua sắm giấy in phục vụ in sách giáo dục. Trên cương vị này, ông bị cáo buộc chỉ đạo lựa chọn mua giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định, nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực.

Cáo buộc cho rằng, trong quá trình thực hiện các gói thầu được giao với tổng giá trị hơn 452 tỷ, ông Thái đã nhận hối lộ của hai nhà thầu Phùng Vĩnh Hưng và Minh Cường Phát tổng số tiền 24,9 tỷ đồng.

Cụ thể, ngay khi Thái được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch NXB, lãnh đạo 2 công ty Phùng Vĩnh Hưng và Minh Cường Phát, đã đến gặp vừa để giới thiệu về công ty vừa nhờ ông tạo điều kiện giúp đỡ cho trúng thầu và “sẽ cảm ơn”.

Sau khi thống nhất với Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Minh Cường Phát) và Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch HĐQT Phùng Vĩnh Hưng), ông Thái đã chỉ đạo cấp dưới lựa chọn phương thức “chào hàng cạnh tranh rút gọn” và đưa 2 công ty này vào “danh sách ngắn” được nhận yêu cầu báo giá trái quy định.

Năm 2017, Công ty Phùng Vĩnh Hưng trúng 3 gói thầu tổng trị giá hơn 282 tỷ, lần này ông Thái được hối lộ 3 tỷ đồng; từ năm 2018 - 2021, doanh nghiệp này liên tiếp trúng thêm 10 gói thầu, nữ chủ tịch công ty còn hối lộ ông Thái nhiều lần. Ngoài ra, vào dịp Tết nguyên đán của 5 năm liên tiếp, từ 2018 - 2022, bà Ngọc đều cảm ơn ông Thái mỗi năm 200 triệu đồng.

Viện kiểm sát quy kết, từ 2017 - 2022, Chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng đã đưa hối lộ cho ông Thái tổng cộng 20 tỷ đồng, qua đó được tạo điều kiện trúng 13 gói thầu tổng trị giá hơn 2.100 tỷ đồng.

Đối với Công ty TNHH giấy Minh Cường Phát, cáo trạng thể hiện, khoảng tháng 7/2017, bị can Nguyễn Trí Minh đến phòng làm việc của cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để gặp và giới thiệu công ty của mình là đối tác cung cấp giấy từ những năm trước. Đồng thời, đề nghị được tạo điều kiện cho công ty của mình được tiếp tục là đối tác cung cấp giấy.

Minh Cường Phát sau đó được ông Thái chỉ đạo "hợp thức hóa" cho trúng gói thầu số 6 và số 7.

Từ 2018 - 2020, để được vào danh sách tham dự và cung ứng giấy in, Nguyễn Trí Minh đều đến gặp, đề nghị và được ông Thái đồng ý cho tiếp tục tham gia chào hàng, cung cấp giấy in.

Tổng cộng, Công ty Minh Cường Phát đã hối lộ 4,9 tỷ đồng và được ông Thái "tạo điều kiện" trúng 4 gói thầu.

Ông Thái khai tất cả những lần đưa tiền hối lộ, chỉ có hai người trong phòng làm việc của ông, nên lúc đưa tiền không ai chứng kiến. Nhận tiền xong, ông đều cất tiền vào két sắt sau bàn làm việc và sử dụng để chi tiêu cá nhân.

Quá trình điều tra, ông Thái mới nộp 3 tỷ đồng, tự nguyện giao tài sản kê biên để khắc phục hậu quả vụ án.

Link nội dung: https://phunucuocsong.vn/cuu-giam-doc-nxb-giao-duc-viet-nam-nhan-hoi-lo-gan-25-ty-dong-nhu-the-nao-12078.html