Nhiều ngân hàng vừa 'chuyển nhà'

LPBank, Eximbank, ABBank chuyển trụ sở chính từ TPHCM ra Hà Nội, trong khi Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam thì chuyển trụ sở chính từ Hà Nội vào TPHCM.

Dời lần 3

Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã chứng khoán: LPB) vừa tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2024 tại Ninh Bình để thông qua các nội dung, gồm kế hoạch chia cổ tức , bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị, mua tối đa 5% vốn FPT.

Đáng chú ý, tại đại hội, ngân hàng này đã trình cổ đông phê duyệt việc chuyển trụ sở chính đến một địa điểm khác phù hợp.

Nhiều ngân hàng vừa 'chuyển nhà'- Ảnh 1.

LPBank lại đổi trụ sở chính lần thứ 4.

Theo đó, LPBank sẽ chuyển địa chỉ hiện tại ở LPB Tower (số 210 đường Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sang một địa điểm khác trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển của ngân hàng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Địa điểm cụ thể sẽ được Hội đồng quản trị toàn quyền quyết định.

Theo LPBank, việc chuyển trụ sở chính đến địa điểm khác tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng thị trường, đặc biệt gia tăng sự hiện diện tại các khu vực nông thôn, đô thị loại 2, thể hiện tầm nhìn trở thành đối tác tài chính tin cậy, là lựa chọn số một của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực nông thôn và đô thị loại 2.

Năm 2015, LPB khi đó có tên là LienVietPostBank đã chuyển trụ sở chính từ tỉnh Hậu Giang đến TPHCM với lý do thúc đẩy hoạt động kinh doanh, thu hút nhân sự chất lượng cao. Đến tháng 11/2016, LienVietPostBank dời trụ sở chính từ TPHCM ra Hà Nội, đến tòa nhà Capital Tower (số 109 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm).

Đến đại hội cổ đông 2019, LienvietPostBank tiếp tục thông qua kế hoạch chuyển trụ sở chính từ tòa nhà Capital Tower sang địa điểm mới là tòa nhà Thai Holdings Tower (số 210 Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thời điểm đó, LienVietPostBank cho rằng, tòa nhà văn phòng vừa mới hoàn thành, hiện đại, nằm ngay trung tâm Thủ đô, rất thuận tiện cho giao dịch cũng như tăng cường nhận diện thương hiệu của LienVietPostBank.

Đây cũng chính là trụ sở hiện tại của LPB. Tòa nhà Thai Holdings Tower hiện thuộc về Thai Group của Chủ tịch Hội đồng quản trị LPBank Nguyễn Đức Thụy. Ông Thụy cũng là cổ đông cá nhân duy nhất sở hữu trên 1% vốn của LPBank.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán: EIB) vừa phát đi thông cáo về việc trình đại hội cổ đông thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank vào cuối tháng này.

Cụ thể, vào ngày 5/11, Eximbank đã công bố nghị quyết số 363/2024/EIB/NQ-HĐQT của Hội đồng quản trị về việc phê duyệt tài liệu đại hội cổ đông bất thường, trong đó có tờ trình thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính.

Theo Eximbank, hiện nay trụ sở chính của ngân hàng đặt tại tầng 8, Văn phòng số L8-01-11+16 Tòa nhà Vincom Center (số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM). Eximbank có mạng lưới hoạt động gồm 215 chi nhánh, phòng giao dịch trải dài từ Bắc vào Nam.

Nhiều ngân hàng vừa 'chuyển nhà'- Ảnh 2.

Eximbank đang vướng vào ồn ào dời trụ sở từ TPHCM ra Hà Nội.

Bên cạnh việc tiếp tục củng cố vị thế tại thị trường miền Nam, ban lãnh đạo Eximbank xác định, miền Bắc là thị trường năng động, còn nhiều dư địa để khai thác. Do đó, EIB đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới phân phối và tiếp cận với các khách hàng tiềm năng tại khu vực này để nắm bắt các cơ hội thị trường, giúp gia tăng doanh thu, lợi nhuận và sức ảnh hưởng của thương hiệu.

Eximbank khẳng định, đề xuất chuyển trụ sở chính đã đạt được sự đồng thuận cao của Hội đồng quản trị và thông qua quy trình phê duyệt bộ tài liệu đại hội cổ đông theo đúng quy định của Điều lệ và quy định pháp luật.

Việc chuyển trụ sở sẽ được thảo luận công khai, minh bạch tại đại hội cổ đông và chỉ được thông qua nếu đạt tỷ lệ tán thành trên 51% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp. Hồ sơ chuyển trụ sở chính cũng phải được Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận theo quy định.

Nhà băng nào từng "chuyển nhà"?

Trước LPBank hay ồn ào hiện tại của Eximbank , Ngân hàng TMCP An Bình ( ABBank - mã chứng khoán: ABB) cũng đã từng chuyển trụ sở chính. Tại đại hội cổ đông 2019, ABBank từng nêu rõ lý do cho cổ đông vì sao chuyển trụ sở từ TPHCM ra Hà Nội.

Hầu hết thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban tổng giám đốc và đội ngũ lãnh đạo đều làm việc tại Hà Nội. Trong khi đó, trụ sở tại 170 Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) không đáp ứng được nhu cầu công việc trong bối cảnh nhân sự liên tục gia tăng, chưa kể kế hoạch phát triển nhân sự cho các năm tiếp theo.

Nhiều ngân hàng vừa 'chuyển nhà'- Ảnh 3.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam chuyển trụ sở chính từ Hà Nội vào TPHCM.

Sau đó, ABBank chuyển trụ sở chính về tòa nhà Geleximco. Tòa nhà này cũng là trụ sở chính của Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - Geleximco, cổ đông lớn thứ hai của ABBank với tỷ lệ sở hữu 12,78% vốn, chỉ sau Malayan Banking Berhad (16,4% vốn).

Ông Vũ Văn Tiền - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank - cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco. Theo bản công bố tỷ lệ sở hữu tại thời điểm ngày 31/7, ông Vũ Văn Tiền không trực tiếp sở hữu cổ phiếu ABB nhưng các bên có liên quan nắm hơn 39% vốn điều lệ ABBank, tương ứng 407 triệu cổ phiếu ABB.

Tương tự, ngày 17/12/2018, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán: VIB) khai trương trụ sở mới tại tòa nhà Sailing Tower (số 111A Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).

Đây cũng là cột mốc đánh dấu việc chuyển trụ sở chính của VIB từ Hà Nội vào TPHCM sau khi đại hội cổ đông 2018 thông qua việc chuyển trụ sở chính từ tòa nhà CornerStone (16 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào hoạt động tại TPHCM.

Link nội dung: https://phunucuocsong.vn/nhieu-ngan-hang-vua-chuyen-nha-13004.html