Mới đây, nhà thiết kế Lê Hà đã giới thiệu bộ sưu tập mang tên "Kết Nối Tự Hào", thể hiện tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc. Bộ sưu tập này không chỉ khẳng định vị thế của chị trong ngành thời trang Việt Nam, mà còn phản ánh tình cảm sâu sắc về gia đình và quê hương, góp phần lan tỏa niềm tự hào dân tộc trong cộng đồng.
Hình ảnh chiếc khăn trùm đầu, đội khăn mỏ quạ… được lấy cảm hứng từ các nội, ngoại của chúng ta ngày trước. Phong cách xưa cũ được tái hiện và thổi một làn gió mới giúp cho giới trẻ luôn nhớ đến cội nguồn, tôn vinh những giá trị vốn có và thêm tình yêu thương ông bà cha mẹ, mang những điểm đặc trưng của họ ứng dụng vào phong cách đương đại.
Màn trình diễn này được đánh giá là một trong những sự kiện ấn tượng nhất, đánh dấu bước khởi đầu cho việc gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam. Nhà thiết kế (NTK) đã chú trọng đến đối tượng người trẻ, khai thác đời sống văn hóa đương đại và sử dụng những hình ảnh, câu từ mà giới trẻ hiện nay đang áp dụng một cách văn minh.
Xuất hiện trên sàn diễn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ như Tùng Dương, gia đình diễn viên Minh Tiệp, Á hậu Lâm Bích Tuyền, em bé Chất Xệ Xệ… Bộ sưu tập mới không chỉ tôn vinh bản sắc văn hóa Việt, mà còn tôn vinh thời trang bền vững bằng những thiết kế hết sức độc đáo, mang tính ứng dụng cao.
Màn kết ấn tượng đậm chất Việt Nam thời đại mới.
Tùng Dương đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi xuất hiện với giọng hát đầy cảm xúc, kết hợp hoàn hảo với những bộ trang phục đẹp mắt.
"Yêu nội yêu ngoại", câu khẩu hiệu chuẩn mực của một người vợ, người mẹ.
Á hậu Lâm Bích Tuyền dẫn đầu đoàn người mẫu sải bước chất ngất.
Gia đình Minh Tiệp cá tính xuất hiện bên nhau trên sàn diễn.
NTK chăm chút tỉ mỉ cho người mẫu trong hậu trường show diễn.
Để có được những khoảnh khắc tuyệt vời trên sàn diễn là cả một sự chuẩn bị chu đáo.
Sự trở lại của nhà thiết kế nữ đã thắp thêm tình yêu quê hương đất nước bằng ngôn ngữ thời trang.
Hãy cùng Eva lắng nghe những tâm tư, chia sẻ của NTK về bộ sưu tập này:
Điều gì làm chị tạm gác lại những bộ sưu tập cá nhân, thay vào đó là cộng tác cùng các nhãn hàng?
Tôi đã có hơn chục BST trình diễn trong các sự kiện thời trang uy tín trong và ngoài nước. Hàng năm, các BST theo mùa của thương hiệu riêng ra mắt các dòng sản phẩm giới hạn, tập trung vào chất lượng và tính độc quyền thay vì số lượng. Tôi không tạm gác những BST cá nhân, điều làm tôi cộng tác cùng nhãn hàng là cơ hội mở rộng phạm vi sáng tạo. Cộng tác với các nhãn hàng mang đến cho tôi cơ hội làm việc với các ý tưởng và yêu cầu đa dạng.
Chính điều này đã thúc đẩy nhà thiết kế như tôi mở rộng khả năng sáng tạo ngoài phong cách cá nhân. Và hơn thế nữa, sự cộng tác này giúp tôi học hỏi về cách thức hoạt động của các thương hiệu lớn, từ khâu sản xuất, marketing đến cách phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đó là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, hiểu thêm về xu hướng và thị hiếu người tiêu dùng, từ đó làm phong phú hơn cho phong cách thiết kế cá nhân.
NTK đã có chỗ đững vững chắc trong làng mốt, nhưng cô vẫn không ngừng học hỏi.
Trước đây, chị luôn được tôn vinh bởi những bộ sưu tập có đường cắt và phom dáng sắc nét, chị nghĩ sẽ làm gì để không bị lãng quên trong làng mốt quá sôi động như hiện tại?
Chắc chắn tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào kỹ thuật cắt may sắc nét, phom dáng độc đáo – những điểm mạnh vốn đã tạo nên dấu ấn riêng trong các bộ sưu tập trước đây. Và tôi đã mở rộng hình ảnh và sự sáng tạo của mình thông qua các dự án hợp tác với thương hiệu, nghệ sĩ hoặc các lĩnh vực khác.
Kỹ thuật xây dựng phom dáng, biến hoá chất liệu chính là vũ khí giúp chị trở thành cái tên được yêu mến.
Im ắng khá lâu trong làng mốt, phải chăng chị có lựa chọn khác thú vị hơn? Đâu là hướng đi lâu dài của chị trong thế giới thời trang?
Việc tôi trở nên im ắng trong làng thời trang xuất phát từ việc tôi đang tập trung khám phá những hướng đi mới và có thêm lựa chọn phát triển thời trang bền vững hơn cho sự nghiệp. Tôi đang dành thời gian để tập trung vào việc xây dựng và củng cố thương hiệu cá nhân của mình, không chỉ thông qua các bộ sưu tập thời trang mà còn qua các dự án dài hạn, hướng đến giá trị nghệ thuật và văn hóa bền vững. Nghiên cứu về các chất liệu truyền thống, kỹ thuật sản xuất bền vững, và tạo ra những sản phẩm thời trang vừa cao cấp vừa thân thiện với môi trường, đóng góp vào sự phát triển của ngành thời trang Việt Nam theo hướng có trách nhiệm hơn và đậm chất phong cách cá nhân trong thiết kế. Bên cạnh đó, tôi cũng dành thời gian khám phá các lĩnh vực sáng tạo khác, như nghệ thuật thị giác, thiết kế nội thất, hay nghệ thuật đương đại. Sự mở rộng này không chỉ mang lại nguồn cảm hứng mới mà còn giúp tôi phát triển đa dạng hơn về phong cách và tư duy sáng tạo.
Đối với giới truyền thông và công chúng, tôi không được chú ý vì tôi luôn tránh tiếp cận nhưng trong giới chuyên môn hoạt động của ngành thời trang biết tôi khá rõ. Ngoài công việc là một NTK, tôi còn là một giảng viên đào tạo thiết kế thời trang của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cô còn là một giảng viên thời trang có tiếng của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự cộng hưởng giữa thời trang và tri thức là điều mà bất kỳ nhà mốt nào cũng ao ước có được.
Vượt trên cả một nhà thiết kế, chị gây ấn tượng với mảng đào tạo giáo dục thời trang, chị có thể chia sẻ về hướng đi này?
Với kinh nghiệm và tên tuổi của mình, tôi đã chọn hướng đi lâu dài là đào tạo và truyền cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế trẻ. Hành trình này đã được 16 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thật đặc biệt cho một ngành nghề còn non trẻ ở Việt Nam. Tôi luôn mong muốn truyền tải niềm đam mê và cảm hứng sáng tạo cho các bạn trẻ yêu thời trang, giúp họ nhận ra tiềm năng của bản thân và định hình phong cách cá nhân. Thông qua các buổi lên lớp và chương trình đào tạo, tôi không chỉ cung cấp kiến thức mà còn khuyến khích người học phát triển tư duy độc lập, khám phá sự sáng tạo trong mỗi cá nhân. Bằng việc chia sẻ hành trình của mình, tôi đã tạo động lực và lòng yêu nghề cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu rõ hơn về giá trị của thời trang và con đường họ muốn theo đuổi.
Với kinh nghiệm thực tế từ các bộ sưu tập và dự án của riêng mình, tôi mang đến một phong cách giảng dạy vừa sáng tạo, vừa thực tiễn. Tôi hướng dẫn sinh viên không chỉ về kỹ thuật, thiết kế mà còn về quy trình phát triển một bộ sưu tập hoàn chỉnh – từ ý tưởng, chọn chất liệu, đến cách tạo dựng phom dáng và trình diễn sản phẩm. Chương trình đào tạo thời trang mà tôi đã xây dựng tập trung vào việc giúp người học tiếp cận ngành thời trang thực tế, chuẩn bị cho họ những kỹ năng cần thiết để phát triển sự nghiệp trong môi trường chuyên nghiệp. Ước mơ lớn nhất của tôi là xây dựng một cộng đồng những người thiết kế có chung tầm nhìn và phong cách sáng tạo. Và cũng thông qua việc đào tạo thế hệ trẻ có ý thức về bản sắc văn hóa, tôi hy vọng Việt Nam sẽ ngày càng có thêm nhiều nhà thiết kế tài năng, tự tin khẳng định vị thế thời trang Việt trên thị trường quốc tế.
Lê Hà mong muốn mang lại một cộng đồng thời thượng, sáng tạo và đầy tri thức.
Những dự án sắp tới của chị là gì, đâu là điều mà Lê Hà ấp ủ với một sự trở lại mạnh mẽ hơn trước?
Thật sự tôi đang ấp ủ những kế hoạch nhằm đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ hơn trước. Và điều này cho tôi xin được giữ cho riêng mình.
Link nội dung: https://phunucuocsong.vn/gap-go-ntk-le-ha-uoc-mo-cua-toi-la-xay-dung-mot-cong-dong-nhung-nguoi-thiet-ke-co-chung-tam-nhin-13340.html