Yên Bái: Đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch

Với sự quan tâm của chính quyền và chiến lược phát triển bài bản, các làng nghề truyền thống ở Yên Bái đang trở thành điểm nhấn quan trọng trong hành trình khám phá văn hóa vùng cao.

Yên Bái là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của 12 dân tộc có dân số tương đối đông như: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao, Cao Lan, Giáy, Khơ Mú, Phù Lá, Mường và Hoa. Mỗi dân tộc mang những nét đặc trưng riêng về trang phục, lễ hội, ẩm thực, phong tục và lối sống, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu.

Không dừng lại ở đó, những nghề truyền thống của các dân tộc tại Yên Bái đã góp phần tạo nên bản sắc riêng cho từng cộng đồng. Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có tổng cộng 15 làng nghề và nghề truyền thống, tập trung chủ yếu tại các huyện Lục Yên, Mù Cang Chải, Văn Chấn và Trấn Yên. 

Mỗi làng nghề không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa của từng dân tộc mà còn chứa đựng những câu chuyện lịch sử và giá trị đời sống riêng biệt.

Những làng nghề nổi tiếng như làng đan rọ tôm xã Phúc An (huyện Yên Bình), làng trồng và chế biến chè Shan tuyết Suối Giàng (Văn Chấn), làng sản xuất cốm Tú Lệ hay làng dệt thổ cẩm xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) các sản phẩm thổ cẩm không chỉ là những vật dụng may mặc đơn thuần mà còn đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội, nghi lễ, thể hiện sự tinh tế trong văn hóa của người Thái.

Gia đình bà Hà Thị Chinh - chủ homestay Cương Chinh (bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ) là một trong những điểm sáng trong việc kết hợp làm du lịch cộng đồng và giữ gìn nghề truyền thống dệt thổ cẩm.

Du khách khi đến homestay của bà không chỉ được trải nghiệm không gian ấm cúng, đậm chất bản địa, mà còn thích thú khi tận mắt chứng kiến những người phụ nữ Thái khéo léo bên khung cửi, tỉ mỉ dệt từng tấm vải.

Yên Bái: Đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch- Ảnh 1.

Bà Hà Thị Chinh - chủ homestay Cương Chinh (bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ) lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân tộc Thái Mường Lò (Ảnh:NVCC).

"Nghề dệt thổ cẩm truyền thống này có từ rất lâu đời, được ông bà truyền lại qua nhiều thế hệ. Đến đời chúng tôi, nghề vẫn được lưu giữ, như một cách để bảo tồn và phát huy nét đặc trưng văn hóa của người Thái. Chúng tôi luôn cố gắng truyền dạy cho con cháu để nghề này không bị mai một", Chị Chinh chia sẻ.

Nhờ sự kết hợp giữa làm nghề truyền thống và kinh doanh du lịch, gia đình bà Chinh đã liên kết với các công ty lữ hành trên cả nước, thu hút hàng trăm du khách mỗi năm. Điều này vừa giúp cải thiện kinh tế gia đình mà còn góp phần quảng bá văn hóa địa phương đến bạn bè quốc tế.

Làng nghề tranh đá quý Lục Yên, được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2019. Nơi đây nổi tiếng không chỉ bởi những bức tranh tinh xảo mà còn vì sự gắn bó với vùng đất của viên Ruby Hồng ngọc, một Bảo vật quốc gia.

Ông Trần Mạnh Tú - Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Lục Yên kể lại câu chuyện thú vị về sự ra đời của làng nghề này: “Vào những năm 90 của thế kỷ trước, dòng người đổ về đây săn tìm vận may từ đá quý. Những viên đá lớn, đẹp thường được chế tác thành trang sức, còn đá màu cấp thấp như Ruby hay Sapphire lại được tận dụng để làm tranh đá quý”.

Từ ý tưởng sáng tạo đó, làng nghề tranh đá quý Lục Yên đã hình thành và không ngừng phát triển. Hiện nay, với 46 cơ sở sản xuất, làng nghề tạo việc làm cho hơn 200 lao động, chế tác gần 4.000 sản phẩm mỗi năm.

Chợ đá quý Lục Yên, diễn ra cuối tuần, không chỉ là nơi giao thương sôi động mà còn là điểm đến độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước. Tại đây, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh đá quý rực rỡ, từ tranh đồng quê, tranh dân gian đến tranh thư pháp, sơn thủy, truyền thần.

Yên Bái: Đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch- Ảnh 2.

Làng nghề tranh đá quý Lục Yên hiện có 46 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hơn 200 lao động, chế tác gần 4.000 sản phẩm mỗi năm (Ảnh: ĐT).

Hay nằm tại xã Phúc An, huyện Yên Bình, làng nghề đan rọ tôm Đồng Tâm cũng là minh chứng cho sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên. Xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, nghề này gắn liền với sự hình thành hồ Thác Bà.

Ông Trần Tiến Thơm - Chủ tịch UBND xã Phúc An, chia sẻ: “Người dân địa phương đã tận dụng tre, nứa, giang để đan những chiếc rọ tôm chất lượng cao, được ưa chuộng không chỉ ở Yên Bái mà còn tại các tỉnh lân cận”.

Được công nhận là làng nghề truyền thống đầu tiên của huyện Yên Bình vào năm 2017, Đồng Tâm không ngừng đổi mới và phát triển. Nhờ du lịch địa phương ngày càng khởi sắc, các tour du lịch trải nghiệm làng nghề đã được triển khai, mang đến cho du khách cơ hội tham gia trực tiếp vào các công đoạn đan lát.

Đồng thời, người dân địa phương cũng mở rộng sản phẩm từ đan lát, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống.

Các làng nghề và nghề truyền thống tại Yên Bái đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương, thu hút hàng ngàn hộ dân, doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. 

Những hoạt động này không chỉ tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hơn 10.000 lao động, mà còn góp phần bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đất giàu bản sắc.

Yên Bái: Đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch- Ảnh 3.

Làng nghề đan rọ tôm Đồng Tâm được công nhận là làng nghề truyền thống đầu tiên của huyện Yên Bình vào năm 2017 (Ảnh: CTTYB).

Trong bức tranh phát triển của Yên Bái, kinh tế du lịch đang khẳng định vị thế ngành kinh tế mũi nhọn. Bất chấp ảnh hưởng của cơn bão Yagi, khiến lượng khách du lịch tháng 9 giảm 40% so với cùng kỳ, Yên Bái vẫn ghi nhận những con số ấn tượng trong 10 tháng đầu năm 2024. Tỉnh đã đón trên 1,114 triệu lượt khách, tăng 51,58% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, khách du lịch theo tour đạt 1.883 lượt, tăng 4,6 lần, với tổng số ngày lưu trú đạt 2.581 ngày, tăng 4,2 lần so với năm 2023. Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2024 đón 1,7 triệu lượt khách, trong đó có 300.000 lượt khách quốc tế, mang lại doanh thu 1.500 tỷ đồng.

Những con số này không chỉ khẳng định sức hút của Yên Bái mà còn cho thấy chiến lược gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch đang đi đúng hướng, mở ra nhiều cơ hội để đưa Yên Bái trở thành điểm đến hàng đầu trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Trekking Tà Chì Nhù - những bước chân trên "nóc nhà" Yên BáiNhững khoảnh khắc ấn tượng nhất màn múa xoè xác lập kỷ lục thế giới tại Yên Bái

Nhận thức rõ tiềm năng của các làng nghề, Yên Bái đã và đang triển khai các giải pháp toàn diện để bảo tồn và phát triển làng nghề gắn liền với định hướng phát triển bền vững. 

Theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tỉnh đặt ra các mục tiêu đến năm 2025, phát triển thêm 2 làng nghề truyền thống, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các làng nghề đã được công nhận. 

75% làng nghề gắn với phát triển du lịch, tạo thành các điểm đến hấp dẫn, nơi du khách có thể trải nghiệm văn hóa, thưởng thức sản phẩm đặc trưng. 

60% làng nghề hoạt động hiệu quả, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm; 20% làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; 40% sản phẩm làng nghề đạt tiêu chuẩn OCOP, mở ra cơ hội tiêu thụ trong và ngoài nước.

Link nội dung: https://phunucuocsong.vn/yen-bai-day-manh-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-gan-voi-du-lich-13499.html