Vì sao “bà trùm Xuyên Việt Oil” muốn nhận tội thay cho một bị cáo khác?

Trong phần nói lời sau cùng tại toà, "bà trùm Xuyên Việt Oil" đã gây bất ngờ khi xin nhận thêm tội cho một đồng phạm.

Ngày 29-11, phiên xét xử sơ thẩm vụ án tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil) đã kết thúc. Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, cựu giám đốc kiêm chủ tịch HĐTV công ty này, bị tuyên phạt 30 năm tù về các tội: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ.

Khắc phục không đáng kể

Theo phán quyết của tòa, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã lợi dụng quyền thu hộ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu khi điều hành Xuyên Việt Oil để chiếm đoạt số tiền lên tới 1.244 tỉ đồng. Ngoài hành vi này, Hạnh còn sai phạm trong việc trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, gây thất thoát hơn 219 tỉ đồng. Tổng thiệt hại mà vụ án này gây ra cho nhà nước lên đến hơn 1.400 tỉ đồng.

Vì sao “bà trùm Xuyên Việt Oil” muốn nhận tội thay cho một bị cáo khác?- Ảnh 1.

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh tại toà

Mặc dù mức thiệt hại lớn, nhưng khả năng bồi thường của bị cáo Hạnh là rất hạn chế. Theo đó, bản án sơ thẩm của TAND TP HCM thể hiện, đến thời điểm tuyên án, ngoài tài sản bị kê biên, bị cáo Hạnh chỉ khắc phục được thêm 100 triệu đồng. HĐXX đánh giá số tiền khắc phục này không đáng kể so với số tiền mà bị cáo đã gây thất thoát, lãng phí. Tại thời điểm bị bắt, cơ quan chức năng đã phong tỏa 17 tài khoản cá nhân của Hạnh tại 8 ngân hàng và 19 tài khoản của Xuyên Việt Oil tại 5 ngân hàng nhưng tổng số tiền thu được từ các tài khoản này chỉ hơn 4 tỉ đồng và 244 USD.

Bị cáo Hạnh khai tại tòa rằng công ty còn sở hữu 3-4 chiếc xe bồn chở xăng dầu, mỗi chiếc có giá trị từ 2-7 tỉ đồng. Tuy nhiên, tổng giá trị tài sản này chỉ ở mức từ 6 đến 28 tỉ đồng, vẫn không đủ để bù đắp được thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng mà bà đã gây ra.

Tại phiên tòa, bị cáo Hạnh khai có một số cá nhân vay tiền của bà nhưng chưa được xác minh làm rõ. Các cá nhân này đều vắng mặt tại tòa. Vì vậy, tòa án đã đề nghị Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục xác minh các cá nhân này và làm rõ nếu có căn cứ xác định liên quan đến số tiền thất thoát trong vụ án. Nếu có đủ chứng cứ, những cá nhân này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, với tình trạng tài chính hiện tại bị cáo của Hạnh, khả năng khắc phục toàn bộ thiệt hại là rất thấp. Theo đề nghị của TAND TP HCM các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi và xác minh tài sản, cũng như các cá nhân liên quan để bảo đảm xử lý vụ án một cách nghiêm minh và công bằng.

Mối quan hệ với Nguyễn Thị Như Phương

Trong phần nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án và tuyên án, "bà trùm Xuyên Việt Oil" Mai Thị Hồng Hạnh đã gây bất ngờ khi xin nhận thêm tội của Nguyễn Thị Như Phương, cựu Phó Giám đốc Xuyên Việt Oil. Bà Hạnh khẳng định Phương chỉ là "hữu danh vô thực", giữ chức vụ cao nhưng hoàn toàn "không biết gì" và chỉ làm theo chỉ đạo của mình.

Vì sao “bà trùm Xuyên Việt Oil” muốn nhận tội thay cho một bị cáo khác?- Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương tại toà

HĐXX trong phần tuyên án đã xác nhận mối quan hệ lệ thuộc của Phương với Hạnh. Cụ thể, Phương là em họ của bà Hạnh. Mối quan hệ gia đình này được HĐXX xác định là một yếu tố dẫn đến sự lệ thuộc của Phương vào bà Hạnh trong quá trình làm việc tại công ty. Phương chỉ làm công ăn lương, thực hiện các chỉ đạo từ Hạnh mà không được hưởng lợi cá nhân. Chính vì vậy, bà Hạnh đã xin nhận tội thay Phương trong phiên tòa để bảo vệ người em họ của mình.

HĐXX cũng nhấn mạnh rằng Phương không có chuyên môn về tài chính và thuế nên vai trò đồng phạm của bị cáo là hạn chế. Vì vậy, tòa đã xem xét giảm nhẹ hình phạt nhằm mục đích giáo dục và răn đe phù hợp.

Theo phán quyết, Nguyễn Thị Như Phương bị tuyên phạt 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Những kiến nghị quan trọng

Bên cạnh việc xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội của các bị cáo trong vụ án, TAND TP HCM đã đưa ra một số kiến nghị quan trọng nhằm ngăn ngừa các sai phạm tương tự trong tương lai.

Cụ thể, đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc trích lập và sử dụng quỹ, yêu cầu thương nhân đầu mối công khai sổ dư quỹ và chứng từ định kỳ hàng tháng để bảo đảm minh bạch. Đồng thời, cần sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý và giao một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm giám sát hoặc chuyển Quỹ Bình ổn giá xăng dầu về cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp. Nếu phát hiện vi phạm, phải chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý hình sự.

Vì sao “bà trùm Xuyên Việt Oil” muốn nhận tội thay cho một bị cáo khác?- Ảnh 3.

Các bị cáo trong vụ án

Đối với thu thuế bảo vệ môi trường, pháp luật cần quy định thời hạn cụ thể để doanh nghiệp nộp số tiền thu hộ vào ngân sách nhà nước, đồng thời xác định trách nhiệm hình sự đối với người đại diện pháp luật nếu không thực hiện đúng. Cơ quan thuế cần tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm và quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan thuế cũng như doanh nghiệp nếu xảy ra vi phạm.

Đối với việc cấp giấy phép cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, cần quy định trách nhiệm, chế tài nghiêm khắc với cơ quan cấp phép và thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp không duy trì đủ điều kiện, đồng thời áp dụng các hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh tạm thời hoặc phạt tiền đối với doanh nghiệp vi phạm.

Link nội dung: https://phunucuocsong.vn/vi-sao-ba-trum-xuyen-viet-oil-muon-nhan-toi-thay-cho-mot-bi-cao-khac-13961.html