Hành trình từ một cậu bé đến một chàng trai và sau đó là một người đàn ông của gia đình là một hành trình được đo đếm bằng trách nhiệm của anh ta với không chỉ bản thân mà còn là với người phụ nữ anh ta yêu thương, cưới làm vợ, gia đình nhỏ, gia đình lớn và tất nhiên là cả công việc anh ta đang làm. Lớn lao hơn thì đó còn là trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, dòng tộc.
Hãy bắt đầu từ những cậu bé. Nếu may mắn, cậu bé đó có người mẹ hiểu biết, người cha chính trực thì cậu bé đó sẽ được dạy dỗ tử tế. Là việc sẵn sàng giúp đỡ người khác vì cậu bé là phái mạnh.
Bảo vệ mẹ và mọi phụ nữ. Con trai nói dối là xấu, bố dạy, thẳng lưng để thẳng lòng. Trong mọi cuộc tranh chấp trẻ con với các em bé hơn mình hoặc là con gái thì con phải biết nhường nhịn. Vai trò nặng hơn nếu cậu bé là con trưởng. Nhiều cha mẹ truyền tai nhau cái câu này: Dạy con gái theo kiểu nhà giàu- Dạy con trai theo kiểu nhà nghèo.
Hay quan điểm: Con trai ngã đau một tí, vài vết sẹo trên chân tay càng oách hơn. Con trai thế là thường (con gái có sẹo sẽ khổ sau này). Rồi “đàn ông con trai ai lại khóc nhè”. Những cậu bé lớn lên trong hằng hà sa số những định kiến giới dành cho phái mạnh- con trai- đàn ông và cả trụ cột trong nhà.
Điều đó quả thực khiến những cậu bé đó trở nên (hoặc nghĩ là) mình mạnh mẽ. Dù trong đầu óc non nớt của những cậu bé đó luôn thường trực cảm giác bất công: Tại sao phải nhường món đồ của mình? Tại sao không được khóc? Tại sao phải chịu trận khi bị con gái đánh? Tại sao… Câu trả lời chỉ có 1: Vì con là con trai.
Khi cậu bé lớn lên, đi học và… yêu đương.
Việc cậu bé- chàng trai đó phải đối diện và trải qua những áp lực nam nhi bắt đầu được nâng lên mức cao hơn. Từ việc phải chiến đấu với những gã con trai khác như một chiến binh thực thụ đến việc chứng tỏ mình xứng đáng có 10 người yêu.
Đừng nghĩ bọn con trai mới lớn vô tư lự và hồn nhiên nhé! Những sức ép từ bạn đồng trang lứa, cùng giới tính cũng không hề nhỏ. Việc phải hút thuốc vì bạn bè đứa nào cũng hút là một trong số những áp lực như vậy. Nếu muốn gia nhập nhóm bạn trai với nhau, cậu bé phải lựa chọn thay đổi bản thân mình.
Như con trai tôi năm lớp 5, cậu bé không hề thích đá bóng nhưng cậu vẫn phải tham gia chỉ vì nếu con trai không biết đá bóng là loại con trai mặc váy. Và cậu bé đã bị tẩy chay chỉ vì “đá hỏng trong một trận bóng”.
Hay như tôi, năm lớp 10, tập tọng hút thuốc chỉ vì nếu không hút thuốc, tụi bạn trai xua đuổi ra chỗ khác chơi với con gái đi. Những cô gái mới lớn cũng gặp sức ép của bạn gái với nhau nhưng con trai mới lớn còn gặp cả sức ép với chính cô gái mà cậu bé yêu thích. Những cậu bé mới lớn luôn phải thể hiện bản thân mình rất nhiều nếu như muốn bạn gái chú ý.
Thậm chí phải khác đi chính con người thật của mình. Sức ép phải có bạn gái không thì là pê đê, kém tắm cũng không hề nhỏ. Rồi cách chiều chuộng bạn gái, việc đàn ông phải chi trả tiền ăn cho bạn gái, bảo vệ bạn gái trước những thằng con trai xung quanh trêu chọc…
Rồi! Khi trở thành một người đàn ông lớn, đi làm và lấy vợ, sinh con những áp lực chưa bao giờ giảm đi dù đã có thêm một người phụ nữ gánh vác cùng họ. Bởi trách nhiệm trụ cột gia đình, gánh vác tài chính.
Bởi đôi khi còn phải đứng giữa mẹ mình với vợ mình. Bởi có thể trở thành thế hệ bánh mỳ kẹp: Vừa lo cho gia đình nhỏ, vừa phải báo hiếu, nuôi cha mẹ đã già, chịu trách nhiệm trước họ tộc… Đi làm cũng vậy. Đàn ông mà, phải làm việc nặng hơn, phải xông xáo hơn, phải rượu bia tiếp khách, phải quan hệ xã giao, phải đón ý sếp, phải thăng tiến…
Tất cả đều là PHẢI. Cấm than vãn, cấm khóc lóc. Đàn ông than vãn trên mạng thử xem, đá ném rào rào. Đàn ông con trai ai lại thế?
Hoàng Anh Tú
Link nội dung: https://phunucuocsong.vn/mot-nguoi-dan-ong-chuan-la-14006.html