Anh H. V. P., 42 tuổi, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đến BVĐK tỉnh Bắc Giang trong tình trạng toàn bộ tay phải sưng nề, căng, đau nhức, mu bàn tay hoại tử đen lan nhanh, các ngón tay căng cứng khó cử động.
Bệnh nhân thở tự nhiên nhưng có biểu hiện nhiễm trùng nặng, chỉ số bạch cầu tăng cao (bạch cầu: 15.44 G/L, Neutrophil chiếm 83.8%), Procalcitonin tăng 1.2 ng/mL – cho thấy tình trạng người bệnh viêm nhiễm toàn thân nguy hiểm. Bệnh nhân sau đó đã được các bác sĩ xử trí theo đúng phác đồ.
Bàn tay bị hoại tử của bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Theo lời kể, trước đó, bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn vào mu bàn tay phải. Thay vì đến cơ sở y tế, người này nghe theo lời truyền miệng, tự đắp thuốc nam tại nhà.
Sau 3 ngày, tình trạng không những không cải thiện mà còn nặng hơn, buộc phải chuyển viện khẩn cấp.
Các chuyên gia cảnh báo việc tự ý đắp lá, dùng mẹo dân gian hay chích rạch vết thương sau khi bị rắn độc cắn là rất nguy hiểm. Cách xử lý này có thể khiến nọc độc lan nhanh hơn, gây nhiễm trùng, hoại tử mô, thậm chí phải cắt cụt chi hoặc tử vong.
BVĐK tỉnh Bắc Giang từng ghi nhận nhiều trường hợp tương tự. Tuy nhiên, ca bệnh lần này đặc biệt nghiêm trọng do đến viện muộn và xử trí ban đầu không đúng cách.
Các bác sĩ khuyến cáo người bị rắn độc cắn tuyệt đối không vận động mạnh, không băng garo quá chặt, không tự chữa bằng mẹo. Thay vào đó, nạn nhân nên bất động vết thương, cố định chi bị cắn và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách.
Minh Hoa (t/h theo Sức khoẻ & Đời sống, Znews)
Link nội dung: https://phunucuocsong.vn/mac-sai-lam-sau-khi-bi-ran-can-nguoi-dan-ong-bi-hoai-tu-tay-23438.html