Du lịch vùng chè Đông Bắc: Lối đi nào cho phát triển bền vững?

Vùng chè Đông Bắc với những đồi chè trải dài không chỉ là biểu tượng của nền nông nghiệp bền vững mà còn chứa đựng tiềm năng du lịch lớn.

Vùng Đông Bắc Việt Nam với những tỉnh nổi bật như: Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, không chỉ nổi tiếng bởi các danh thắng tự nhiên hùng vĩ mà còn bởi những đồi chè xanh bát ngát, bao phủ trên các dãy núi và cao nguyên.

Từ bao đời nay, cây chè đã gắn bó sâu sắc với đời sống của người dân nơi đây, trở thành một nét văn hóa đặc trưng không chỉ riêng của Đông Bắc mà còn của cả Việt Nam.

Du lịch vùng chè Đông Bắc: Lối đi nào cho phát triển bền vững?- Ảnh 1.

Đồi chè tại Thị trấn nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Kim Thoa).

Những vùng chè như Tân Cương (Thái Nguyên),... từ lâu đã được biết đến với sản phẩm chè ngon nức tiếng. Giờ đây, với xu hướng du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, những đồi chè này có tiềm năng lớn để trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách từ khắp nơi tới khám phá.

Du lịch vùng chè mang đến cho du khách không chỉ cơ hội được tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên thanh bình mà còn tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc của nghề trồng và chế biến chè. Đây cũng là cơ hội để du khách kết nối với người dân địa phương, tham gia vào các hoạt động thường ngày như hái chè, pha trà, tìm hiểu về các nghi thức văn hóa liên quan đến trà.

Tiềm năng và cơ hội

Tại hội thảo “Phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc, Việt Nam” vừa được diễn ra tại Hà Nội, TS. Lê Quang Đăng - Phó trưởng phòng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, nhấn mạnh: “Việc phát triển du lịch tại các vùng chè Đông Bắc cần phải dựa trên nền tảng bền vững, không chỉ từ góc độ kinh tế mà còn về môi trường và văn hóa. 

Chúng ta không thể khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách thái quá mà phải đảm bảo rằng các giá trị di sản, văn hóa của vùng đất và con người nơi đây được giữ gìn”.

Du lịch vùng chè Đông Bắc: Lối đi nào cho phát triển bền vững?- Ảnh 2.

TS. Lê Quang Đăng - Phó trưởng phòng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam). Ảnh: Kim Thoa

Ông cho rằng việc phát triển du lịch ở các vùng chè phải dựa vào mô hình du lịch sinh thái và cộng đồng, trong đó người dân địa phương đóng vai trò chủ chốt. Du lịch không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu nhập mà còn là cơ hội để họ giới thiệu và gìn giữ văn hóa truyền thống của mình.

Bà Bùi Thanh Thủy - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chia sẻ: “Một mô hình du lịch bền vững cần sự hợp tác của nhiều bên, bao gồm chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Người dân phải được tham gia vào quá trình phát triển, từ việc lập kế hoạch, quản lý, cho đến việc vận hành các hoạt động du lịch”.

Nói về việc khai thác giá trị văn hóa trà trong du lịch, ông Trịnh Quang Dũng - chuyên gia văn hóa trà và thành viên Ban Tư vấn Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam, nhận định: “Văn hóa trà ở Việt Nam là một tài sản quý giá chưa được khai thác triệt để. Chúng ta có thể tạo ra các sản phẩm du lịch từ văn hóa trà, như tổ chức các buổi thưởng trà, tour trải nghiệm thu hoạch chè, học pha trà truyền thống, hay những lễ hội trà kết hợp với các hoạt động văn hóa nghệ thuật”.

Du lịch vùng chè Đông Bắc: Lối đi nào cho phát triển bền vững?- Ảnh 3.

Ông Trịnh Quang Dũng - Phó tưởng ban Bảo tồn phát triển Hiệp hội văn hoá Ẩm thực Việt Nam. Ảnh: Kim Thoa

Theo ông Dũng, những hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp bảo tồn và phát huy văn hóa trà Việt, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút du khách quốc tế, những người luôn tìm kiếm các trải nghiệm văn hóa độc đáo.

“Để văn hóa trà trở thành một sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn, chúng ta cần đầu tư vào việc nghiên cứu, quảng bá và kết hợp với các yếu tố hiện đại, từ đó mang đến những trải nghiệm phong phú, mới mẻ cho du khách,” ông Dũng chia sẻ thêm.

Thách thức về hạ tầng và dịch vụ

Mặc dù có tiềm năng lớn, du lịch vùng chè Đông Bắc vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về hạ tầng và dịch vụ du lịch.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Ngô Kiều Oanh - chuyên gia tư vấn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hệ thống giao thông tại các vùng chè hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách.

Khi du khách muốn khám phá vẻ đẹp của những đồi chè xanh ngát, trải nghiệm văn hóa trà đặc trưng của các dân tộc thiểu số, họ thường gặp khó khăn trong việc di chuyển. Các tuyến đường chưa được nâng cấp, thiếu trạm dừng chân, và thông tin không đầy đủ về lộ trình làm cho nhiều du khách e ngại và cảm thấy không an toàn khi lựa chọn đến những địa điểm này.

Du lịch vùng chè Đông Bắc: Lối đi nào cho phát triển bền vững?- Ảnh 4.

TS. Ngô Kiều Oanh - chuyên gia tư vấn tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: Kim Thoa).

Ngoài hạ tầng giao thông, vấn đề biến đổi khí hậu cũng đang gây ra những lo ngại lớn. “Sau trận bão Yagi vừa qua, mọi người sẽ có tâm trạng rất e ngại khi lên miền núi, sự bất ổn về thời tiết không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách mà còn làm giảm khả năng phát triển nông nghiệp bền vững tại các vùng chè”, TS. Ngô Kiều Oanh chia sẻ.

Theo bà Oanh, các nhà đầu tư và chính quyền địa phương cần có kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời xây dựng các chiến lược phát triển bền vững để bảo vệ cả môi trường và lợi ích kinh tế.

Gia tăng giá trị cho cây chè trong phát triển du lịch Lạng SơnViệt Nam xuất khẩu chè nhiều nhất sang thị trường nào?

“Chúng ta cần có chiến lược đầu tư vào hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú như homestay, farmstay để tạo điều kiện cho du khách ở lại dài ngày và trải nghiệm toàn diện hơn. Việc phát triển các mô hình lưu trú độc đáo sẽ không chỉ thu hút du khách mà còn giúp tạo thêm nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương", TS. Ngô Kiều Oanh nhấn mạnh.

Hiện tại, một số vùng chè như Thái Nguyên đã có những bước tiến trong việc phát triển dịch vụ lưu trú, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa.

“Cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chế biến chè, xác định rõ phương thức canh tác theo hữu cơ hay theo tự nhiên, để từ đó hiểu rõ giá trị của chè,” cô Oanh cho biết thêm. Những câu chuyện về công nghệ chế biến cũng cần được kể lại, không chỉ để thu hút khách du lịch mà còn để nâng cao giá trị sản phẩm.

Du lịch vùng chè Đông Bắc: Lối đi nào cho phát triển bền vững?- Ảnh 5.

Gắn cây chè trong phát triển du lịch (Ảnh: Kim Thoa).

Bà Oanh cho rằng, phát triển du lịch vùng chè không chỉ là việc khai thác tài nguyên mà còn phải gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia của nhà nước. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo ra sự kết nối giữa các chương trình phát triển và du lịch, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Kim Thoa

Link nội dung: https://phunucuocsong.vn/du-lich-vung-che-dong-bac-loi-di-nao-cho-phat-trien-ben-vung-9975.html