Thêm nhiều trường bỏ xét tuyển học bạ từ năm 2025

Nhiều trường đại học đã ra thông báo không dùng hoặc giảm tỉ lệ đáng kể phương thức xét tuyển học bạ.

Nhiều năm qua, xét tuyển học bạ là 1 phương thức tuyển sinh của nhiều trường đại học. Trong mùa tuyển sinh năm 2024, có hàng trăm trường đại học xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều trường bỏ xét tuyển đại học.

Thêm nhiều trường bỏ xét tuyển học bạ từ năm 2025- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đại học Quốc gia Tp.HCM cũng thống nhất 3 cách tuyển sinh từ năm 2025 gồm: xét tuyển thẳng; xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức; xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường thành viên được khuyến khích xét tuyển kết hợp. Trước đó, phương thức ưu tiên xét tuyển được áp dụng với học sinh học tập và tốt nghiệp THPT tại 149 trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển, thường dựa vào điểm học bạ và giải thưởng.

Trường đại học Công Thương Tp.HCM cũng quyết định giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ từ 30% xuống chỉ còn 15%. Sau đó, theo tiến trình, trường cũng sẽ bỏ hẳn phương thức này.

Dự kiến Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2022 đến nay, Đại học Bách khoa Hà Nội không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ vì nhiều bất cập.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân từ năm 2024 đã không còn xét tuyển bằng học bạ, dù các năm trước đó, tỉ lệ này chiếm khoảng 10-15% chỉ tiêu. Năm 2025, trường dự kiến vẫn áp dụng 3 phương thức xét tuyển là phương thức xét tuyển thẳng chiếm 2% chỉ tiêu; phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 83% chỉ tiêu, tăng 3% so với năm 2024; phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chiếm 15% chỉ tiêu, giảm 3% so với năm 2024.

Hiện tại, nhiều trường bỏ xét tuyển học bạ. Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Tiền Phong, PGS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, nhiều trường đại học đang "quay xe" với tuyển sinh học bạ vì có nhiều yếu tố.

Trong đó, quan trọng nhất, tuyển sinh theo phương thức học bạ không đảm bảo được chất lượng đầu vào. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, có sự chênh lệch điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ khá lớn. Theo PGS Nam, những nghiên cứu ban đầu của trường Đại học Giáo dục cho thấy, điểm học bạ cao không tỉ lệ thuận với điểm học đại học và tỉ lệ cam kết theo đến cùng ngành học của xét học bạ rất thấp. "Việc xét tuyển bằng học bạ có thể làm cho chất lượng đầu vào đại học kém, ông Nam khẳng định.

Trong khi đó, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, trường Đại học Công Thương Tp.HCM cho rằng, điểm học bạ giữa các trường THPT có sự chênh lệch đáng kể, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chính xác năng lực thí sinh, việc sử dụng học bạ làm tiêu chí xét tuyển có thể gây ra sự thiếu công bằng giữa các thí sinh.

Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn lựa chọn trong 9 môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Việc lựa chọn môn, trong đó Tin học, Công nghệ lần đầu xuất hiện ở kỳ thi tốt nghiệp, tạo ra 36 tổ hợp có thể dùng để tuyển sinh đại học. Vì vậy, một số trường có điều chỉnh tổ hợp xét tuyển.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Một sinh viên Đại học FPT bị đường dây lừa đảo Mr Pips lừa 8 tỷ đồngMột sinh viên Đại học FPT bị đường dây lừa đảo Mr Pips lừa 8 tỷ đồng

Trúc Chi (t/h)