Triển lãm tranh sơn mài “Dấu thiêng": Nhịp cầu kết nối di sản với thế hệ trẻ

Nhiều bạn trẻ bày tỏ niềm xúc động xen lẫn tự hào khi chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh sơn mài của hoạ sĩ trẻ Chu Nhật Quang, giúp khơi dậy tình yêu đối với di sản văn hóa ngàn năm của Hà Nội.

Nghệ thuật giúp di sản sống mãi trong lòng giới trẻ

Chiều tối 5/10, tại Hoàng Thành Thăng Long đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm các tác phẩm tranh sơn mài “Dấu thiêng" của hoạ sĩ Chu Nhật Quang. Sự kiện diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) không chỉ là một sự kiện nghệ thuật mà còn mang đến những câu chuyện văn hóa, lịch sử đầy cảm hứng.

Điều đặc biệt, triển lãm tranh lần này thu hút sự quan tâm từ đông đảo giới trẻ, khơi dậy tình yêu đối với di sản văn hóa ngàn năm của Hà Nội.

Triển lãm tranh sơn mài “Dấu thiêng": Nhịp cầu kết nối di sản với thế hệ trẻ- Ảnh 1.

Khai mạc triển lãm các tác phẩm tranh sơn mài “Dấu thiêng" của hoạ sĩ Chu Nhật Quang tại Hoàng Thành Thăng Long (Ảnh: Kim Thoa).

Trong không gian cổ kính của Hoàng Thành Thăng Long, những bức tranh sơn mài lộng lẫy  của họa sĩ Chu Nhật Quang như kể lại câu chuyện của một Hà Nội hào hùng và cổ kính. Từng nét cọ, từng chi tiết đều chứa đựng tâm huyết của người nghệ sĩ muốn giữ gìn và truyền tải thông điệp về giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Triển lãm tranh sơn mài “Dấu thiêng": Nhịp cầu kết nối di sản với thế hệ trẻ- Ảnh 2.

"Dấu thiêng" không chỉ là một triển lãm mà còn là nhịp cầu kết nối giữa truyền thống và hiện đại, đưa nghệ thuật sơn mài đến gần hơn với người yêu nghệ thuật đương đại (Ảnh: Kim Thoa).

Một trong những điều bất ngờ thú vị tại triển lãm là sự hiện diện của đông đảo các bạn trẻ – những người vốn thường cho là ít quan tâm đến lịch sử, nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, qua lăng kính nghệ thuật, họ đã tìm thấy những kết nối mới với quá khứ và hiện tại.

Chăm chú theo dõi từng tác phẩm của hoạ sĩ Chu Nhật Quang tại triển lãm, bạn trẻ Nguyễn Minh Phương (Hà Nội) cho biết dù không am hiểu quá nhiều về tranh nhưng khi theo dõi tác phẩm của hoạ sĩ trẻ, Minh Phương nhìn thấy hình ảnh về cụ rùa, hình ảnh về làng quê Việt Nam được tái hiện trong tranh của hoạ sĩ trẻ.

“Được biết hoạ sĩ Chu Nhật Quang còn rất trẻ nhưng thể hiện được các tác phẩm nghệ thuật mang hồn cốt dân tộc, bản thân tôi là người trẻ nhưng thấy rất tự hào vì một thế hệ trẻ Việt đầy tài năng”, Minh Phương cho hay.

Triển lãm tranh sơn mài “Dấu thiêng": Nhịp cầu kết nối di sản với thế hệ trẻ- Ảnh 3.

Bạn Nguyễn Minh Phương (Hà Nội) chia sẻ cảm xúc về những bức tranh của họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang (Ảnh: Kim Thoa).

Bạn Hoàng Ngọc (Hà Nội) chia sẻ, trong tiết trời thu Hà Nội được thưởng thức những tác phẩm tranh đầy tâm huyết của hoạ sĩ trẻ Chu Nhật Quang khiến bản thân có những cảm xúc xúc động xen lẫn tự hào.

“Khi theo dõi những bức tranh về làng quê Việt Nam được tái hiện trong tranh của hoạ sĩ Chu Nhật Quang tôi như được nhìn thấy quê nhà, mỗi bức tranh đều chứa đựng những ý nghĩa riêng nhưng tất cả đều khơi dậy cho người xem, đặc biệt là người trẻ như tôi một niềm đam mê với di sản”, Ngọc nói.

Cô cho biết triển lãm cũng giúp cô nhận ra tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, không chỉ qua các tài liệu sách vở mà còn qua nghệ thuật thị giác.

Triển lãm tranh sơn mài “Dấu thiêng": Nhịp cầu kết nối di sản với thế hệ trẻ- Ảnh 4.

Bạn Hoàng Ngọc (Hà Nội) thích thú trước những bức tranh sơn mài (Ảnh: Kim Thoa).

Không chỉ Minh Phương, Hoàng Ngọc, nhiều bạn trẻ khác cũng bị cuốn hút bởi các tác phẩm trong triển lãm.

Bạn trẻ Nguyễn Minh Huế (Hà Nội) chia sẻ, trước đây Huế ít khi quan tâm đến những sự kiện triển lãm nghệ thuật có yếu tố lịch sử. Nhưng với “Dấu thiêng”, các tác phẩm của hoạ sĩ Chu Nhật Quang đã giúp cô hiểu thêm về cách nghệ thuật có thể kết nối với lịch sử và văn hóa dân tộc.

“Đó không chỉ là một cách thể hiện cái đẹp mà còn là một lời mời gọi để thế hệ trẻ chúng tôi tham gia vào việc bảo tồn và phát huy di sản dân tộc", Minh Huế nói.

Hoà quyện vào dòng chảy của nghệ thuật văn hoá, dân tộc Việt

Chia sẻ về các tác phẩm trong triển lãm của hoạ sĩ Chu Nhật Quang, hoạ sĩ Đặng Ái Việt - Nguyên giảng viên trường Đại học mỹ thuật Tp.HCM cho biết, tính dân tộc được hoạ sĩ Chu Nhật Quang đưa vào trong tranh, cùng làm nghề hoạ sĩ Ái Việt chia sẻ đó là lúc thăng hoa của người nghệ sĩ sáng tác tác phẩm tranh sơn mài.

“Cảm ơn hoạ sĩ trẻ Chu Nhật Quang đã cho người đồng nghiệp như tôi và có lẽ những người cảm thụ tác phẩm tranh sơn mài của hoạ sĩ, sự cảm nhận nghệ thuật truyền thống và hiện đại đang hoà quyện vào dòng chảy của nghệ thuật văn hoá, dân tộc Việt Nam”, hoạ sĩ Đặng Ái Việt nói.

Họa sĩ Chu Nhật Quang - tác giả của những bức tranh tại triển lãm “Dấu thiêng", bày tỏ sự xúc động khi hôm nay được chào đón nhiều khách mời trong đó có nhiều gương mặt trẻ tại triển lãm.

Triển lãm tranh sơn mài “Dấu thiêng": Nhịp cầu kết nối di sản với thế hệ trẻ- Ảnh 5.

Họa sĩ Chu Nhật Quang - tác giả của những bức tranh tại triển lãm “Dấu thiêng" (Ảnh: Kim Thoa).

Thông qua triển lãm đầu tiên của mình, hoạ sĩ Chu Nhật Quang mong muốn gửi gắm thông điệp: “Tôi luôn trân trọng những giá trị của nghệ thuật truyền thống sơn mài Việt Nam, tôi thấy bản thân mình cần phải có trách nhiệm bảo tồn, kế thừa những giá trị truyền thống đó. 

Việc phát huy những giá trị truyền thống thông qua sự tìm hiểu, khám phá, tiếp cận biểu đạt mới cho sơn mài cũng như việc chúng ta đang ở trong không gian vô cùng linh thiêng.

Điều tôi mong muốn đó chính là qua những tác phẩm tranh sơn mài của tôi có thể đưa khán giả và công chúng chạm vào những cung bậc cảm xúc từ cổ điển đến hiện đại và mang lại những hơi thở mới cho hội hoạ”.

Tham khảo thêm
52 tác phẩm tranh sơn mài sẽ được trưng bày tại triển lãm "Dấu thiêng"52 tác phẩm tranh sơn mài sẽ được trưng bày tại triển lãm

Hoạ sĩ Chu Nhật Quang cho biết thêm, chặng đường dài phía trước cho sự nghiệp sơn mài, hoạ sĩ trẻ luôn coi những tác phẩm sơn mài của mình là một bước tiến nhỏ trong quãng đường hoạ sĩ khám phá bản thân, chinh phục mọi giới hạn.

Hoạ sĩ trẻ cũng hy vọng những tác phẩm của mình sẽ trở thành nhịp cầu giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng di sản của ông cha.

Triển lãm tranh sơn mài “Dấu thiêng": Nhịp cầu kết nối di sản với thế hệ trẻ- Ảnh 7.

Tác phẩm "Dấu thiêng" đậm chất truyền thống, mỗi nét vẽ mỗi lớp sơn đèu chức đựng một câu chuyện riêng thể hiện chiều sâu của văn hoá và tinh thần dân tộc (Ảnh: Kim Thoa).

Triển lãm "Dấu thiêng" không chỉ là một không gian trưng bày nghệ thuật, mà còn là một nơi để giới trẻ kết nối với lịch sử và di sản văn hóa. Qua những tác phẩm sơn mài đầy tinh tế của Chu Nhật Quang, thế hệ trẻ không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật mà còn cảm thấy được trọng trách của mình trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của dân tộc.

Nghệ thuật đã trở thành một sợi dây kết nối vô hình, đưa quá khứ sống lại trong lòng hiện tại và mở ra tương lai tràn đầy hy vọng cho sự bảo tồn di sản.

Triển lãm "Dấu thiêng" sẽ diễn ra từ ngày 5/10/2024 đến 15/10/2024, tại khuôn viên Hoàng Thành Thăng Long.

52 bức tranh sơn mài được sắp xếp thành bốn chủ đề lớn: Khôi, Cội, Linh và Nôi. Những tác phẩm này thể hiện tình yêu sâu sắc của họa sĩ Chu Nhật Quang với di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam, đặc biệt là nghề sơn mài - một trong những nét tinh hoa độc đáo của nghệ thuật truyền thống dân tộc.