Vì sao ca mắc sởi tại Tp.HCM tiếp tục gia tăng?

Nhiều trường hợp trẻ em mắc sởi tại Tp.HCM tiếp tục tăng do không được tiêm phòng, trong khi các chiến dịch tiêm chủng tại một số trường học vẫn bỏ sót trẻ. Ngoài ra, vấn đề di biến động dân cư khiến việc quản lý tiêm chủng ngày càng khó khăn.

Ca mắc sởi tăng mạnh, nhiều trẻ chưa được tiêm phòng

Ngày 13/11, theo thông tin từ Sở Y tế Tp.HCM, số ca mắc sởi tại Thành phố tăng nhanh trong những tuần gần đây, một phần nguyên nhân xuất phát từ tình trạng bỏ sót trẻ cần tiêm chủng tại trường học và di biến động dân cư.

Khảo sát trên 35 trẻ từ 1-5 tuổi mắc sởi cho thấy 23% trong số này không có thông tin tiêm chủng trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, trong khi 17% trẻ có khai báo địa chỉ ở các tỉnh khác. Đáng chú ý, 13 trường học dù báo cáo đã hoàn thành chiến dịch tiêm chủng, nhưng vẫn bỏ sót trẻ chưa được tiêm.

Trong tuần 45, Tp.HCM ghi nhận 167 ca mắc sởi, tăng 29% so với trung bình 4 tuần trước đó, bao gồm 99 ca điều trị nội trú và 68 ca ngoại trú. Từ đầu năm, tổng số ca sởi tích lũy đã đạt 1.635 trường hợp, trong đó có 3 ca tử vong.

Đáng chú ý, các ca bệnh từ các tỉnh khác đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Tp.HCM cũng tăng 44%, với tổng số 2.565 trường hợp từ đầu năm, bao gồm 1 ca tử vong.

Vì sao ca mắc sởi tại Tp.HCM tiếp tục gia tăng?- Ảnh 1.

Tình hình dịch bệnh sởi tại TP. Hồ Chí Minh tính đến tuần 45. (Ảnh: Sở Y tế Tp.HCM).

Dù chiến dịch tiêm phòng sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi đã giúp kiểm soát số ca mắc trong độ tuổi này, số ca mắc ở trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi vẫn tiếp tục tăng, hiện chiếm 17% tổng ca mắc toàn Thành phố.

Bên cạnh đó, số ca mắc ở độ tuổi trên 11 tuổi cũng tăng mạnh, từ 8-9 ca/tuần vào tháng 8 lên đến 40 ca/tuần trong thời gian gần đây, chiếm 30% tổng số ca mỗi tuần.

Khó khăn trong quản lý tiêm chủng và thách thức từ di biến động dân cư

Trước diễn biến ca mắc sởi gia tăng, Sở Y tế Tp.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) tiến hành khảo sát và nhận thấy 64% trẻ từ 1 đến 10 tuổi mắc sởi chưa được tiêm phòng trước đó.

Nhiều trẻ không được tiêm chủng do cha mẹ bận rộn, thường xuyên thay đổi nơi ở, hoặc do phụ huynh không đưa trẻ đi tiêm dù không có chống chỉ định.

Khảo sát tại trường học cho thấy công tác rà soát trẻ cần tiêm chủng vẫn chưa triệt để. Một số trường chưa tổ chức tiêm chủng và nhiều trường báo cáo đã hoàn thành chiến dịch nhưng vẫn phát hiện trẻ chưa được tiêm phòng.

Tp.HCM khống chế và kiểm soát dịch sởi ra sao?Tp.HCM khống chế và kiểm soát dịch sởi ra sao?
19/09/2024 19:41

Bên cạnh đó, tình trạng trẻ khai báo địa chỉ trên hệ thống khác với địa chỉ thực tế khiến công tác quản lý tiêm chủng trở nên khó khăn hơn.

Để đối phó, Sở Y tế đã kêu gọi các địa phương thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và tuân thủ Quy chế quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

Trước tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp, Sở Y tế Tp.HCM khuyến cáo phụ huynh chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng để phòng ngừa bệnh. Song song với chiến dịch tiêm chủng hiện tại, Tp.HCM đang chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm phòng sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, nhằm kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.