Vụ án ly hôn ở Đà Nẵng: Người vợ đề nghị xem xét lại những minh chứng chưa được công nhận

Theo luật sư, nếu người vợ chứng minh được tài sản bà làm ra nhiều hơn và có minh chứng rõ ràng; người chồng cung cấp ít bằng chứng, thậm chí có thu nhập nhưng lại không chứng minh được dùng tiền bỏ vào tài sản chung thì phải xem xét lại bản án.

Cuộc hôn nhân không êm đềm

Những ngày cuối tháng 11/2024, bà N.T.H.M. (40 tuổi) – Giám đốc một công ty bất động sản lâu năm tại Đà Nẵng, đã lên tiếng phản ánh về bản án phân chia tài sản chung với chồng cũ mà bà cho là thiếu công bằng.

Trong đơn đề nghị kháng nghị bản án sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm gửi Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Đà Nẵng bà M. có nêu, ngày 30/09/2024, bà đã làm đơn kháng cáo một phần bản án dân sự sơ thẩm số 36/2024/HNGĐ- ST nêu trên. Đến ngày 10/10/2024 (15 ngày sau khi tuyên án và cũng là ngày cuối cùng của thời hạn cho phép kháng cáo) tôi mới nhận được bản án của vụ án. Sau khi tiếp cận đọc chi tiết bản án, bà đã khẩn trương gửi đơn kiến nghị đến Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Đà Nẵng để kêu oan.

Ngày 25/9/2024, Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn đã phán quyết ông N.V. (41 tuổi) được nhận 58% tài sản chung, trong khi bà M. chỉ được chia 42%. Theo bà M., tỉ lệ phân chia này hoàn toàn không phản ánh đúng sự đóng góp của bà trong hơn một thập kỷ gắn bó.

Vụ án ly hôn ở Đà Nẵng: Người vợ đề nghị xem xét lại những minh chứng chưa được công nhận- Ảnh 1.

Bà M. trải qua 14 năm hôn nhân không êm đềm (Ảnh minh họa).

"14 năm hôn nhân, tôi không chỉ là người vợ, người mẹ mà còn là trụ cột tài chính và tinh thần của gia đình. Tôi đảm nhận mọi chi phí chăm lo con cái, phụng dưỡng cha mẹ hai bên và tạo dựng khối tài sản chung từ sự nghiệp riêng, tôi còn là hậu phương vững chắc cho sự nghiệp của chồng cả về tài chính và mang về nhiều dự án cho chồng" bà M. chia sẻ trong nước mắt.

Tuy nhiên, hôn nhân của bà không phải là câu chuyện cổ tích. Theo bà, ông N.V. có tính gia trưởng, kiểm soát và ghen tuông quá mức, khiến bà thường xuyên chịu áp lực tâm lý. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, dẫn đến việc bà mắc bệnh đại tràng hiếm gặp và phải trải qua 4 lần phẫu thuật nghiêm trọng.

"Từ năm 2022-2023, ông ấy không chỉ bạo hành tinh thần mà còn thể chất, ghen tuông hoang tưởng, khiến cả tôi và hai con trai chịu tổn thương tâm lý sâu sắc," bà kể.

Điều khiến bà M. phẫn uất hơn cả là việc toàn bộ tài sản do bà tạo dựng đều bị ông N.V. âm thầm chuyển nhượng hoặc bán trước và trong thời gian hai người ly thân. 

"Tôi luôn tin rằng tiền của chồng hay vợ đều là tiền chung, nên giao hết quyền quản lý, sử dụng để đầu tư vào các tài sản chung nhưng đứng tên ông, như tiết kiệm và chứng khoán, xe ô tô, vàng. Đến khi nhận ra sự thật, mọi thứ đã bị tẩu tán," bà M. bức xúc.

Vụ án không chỉ là câu chuyện chia tài sản, mà còn phản ánh sự bất cập trong việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ khi hôn nhân rạn nứt. Liệu tiếng nói của bà M. có được lắng nghe để khơi sáng công lý?

Cần xem xét lại những minh chứng chưa được công nhận

Trong đơn đề nghị kháng nghị bản án sơ thẩm gửi Viện Kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng, bà N.T.H.M. nêu rõ: bà đã cung cấp 22 tập sao kê tài khoản, hơn 10.000 giao dịch và 1.500 trang bút lục làm chứng cứ. "Đó là toàn bộ sao kê từ tài khoản cá nhân và tài khoản công ty riêng của tôi, dùng để lo cho gia đình chồng cũ, con cái, và phụng dưỡng cha mẹ chồng. Tôi mất nhiều tháng truy lục và khẩn thiết đề nghị Tòa án lưu tâm xem xét," bà M. nói.

Ngoài ra, bà cũng cung cấp các bằng chứng chứng minh việc ông N.V. đã biển thủ, tẩu tán tài sản chung, bao gồm hồ sơ xe ô tô mua bằng tiền chung nhưng ông nhanh chóng hủy hợp đồng sang nhượng và sang tên cho cậu ruột đứng hộ trước 1 tháng ở thời điểm ly hôn. 

Chưa hết, toàn bộ vàng và khoản tiền chứng khoán đáng kể được giao quản lý đã bị bán lén lút và tự động rút riêng tài khoản tiết kiệm chung và chứng khoán 1,3 tỷ đồng chuyển vào tài khoản cá nhân của ông. 

Vụ án ly hôn ở Đà Nẵng: Người vợ đề nghị xem xét lại những minh chứng chưa được công nhận- Ảnh 2.

Bà M. cũng cung cấp các bằng chứng chứng minh việc ông N.V. đã biển thủ, tẩu tán tài sản chung (Ảnh minh họa).

Bà M. còn chỉ ra sự chênh lệch rõ ràng trong đóng góp mua bất động sản: nhiều tài sản bà đầu tư tới 80%-100% nhưng lại bị Hội đồng xét xử loại bỏ chứng cứ, trong khi ông N.V. không nộp đủ sao kê ngân hàng chi tiết, cũng không chứng minh được nguồn thu nhập rõ ràng hay dòng tiền đóng góp vào tài sản chung; đặc biệt, có thu nhập không hẳn là đã đóng góp hết vào tài sản chung, có sự che đậy, khuất tất?

"12 cây vàng và chứng khoán, tiết kiệm bị bán lén, tài sản chung bị biển thủ, đóng góp của tôi bị bỏ qua, nhưng ông N.V. lại được hưởng tới 58% tài sản. Đây là sự bất công", bà M. bức xúc.

Bà tha thiết đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng kháng nghị bản án sơ thẩm số 36/2024/HNGĐ-ST ngày 25/9/2024 của Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn theo thủ tục phúc thẩm để làm sáng tỏ sự thật.

Góc nhìn pháp lý

Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, với vụ án này - gần 1 năm sơ thẩm chưa có kết quả thỏa đáng, các bên có quyền yêu cầu kháng cáo lên cấp thành phố sau 15 ngày nếu họ cảm thấy bị thiệt thòi: "Nếu người vợ chứng minh được tỉ lệ đóng góp lớn hơn, dòng tiền rõ ràng, thì việc phân chia tài sản chung không thể bất công đến mức chồng được phần nhiều hơn."

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối, cũng nhấn mạnh: "Việc phân chia tài sản cần dựa trên lỗi và công sức đóng góp. Nếu bản án chưa thấu tình đạt lý, người vợ có quyền kháng cáo lên cấp cao hơn để bảo vệ quyền lợi". 

Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?

Những tranh chấp tài sản sau ly hôn thường để lại nhiều dư âm cay đắng, "vô phúc đáo tụng đình", đưa nhau ra tòa với những nỗi đau cả tinh thần và tổn thất về án phí thường sẽ làm hai bên cố gắng thương lượng, hòa giải trước đó. Tuy nhiên, vì không thể đàm phán và cán cân trong hôn nhân bị lệch về một phía – người được quyền quản lý tài sản, người phụ nữ sẽ bị nhiều bất lợi khó lường. Trong các vụ án như thế này, việc đảm bảo công lý và quyền lợi cho các bên là điều cần thiết để tránh những tổn thất kéo dài. Liệu sự thật có được làm sáng tỏ và tiếng nói của bà M. có được lắng nghe? Câu trả lời nằm ở sự minh bạch và công tâm của cơ quan chức năng.

PV