Gặp lại "3 chàng trai Thụy Sĩ" treo cờ Việt Nam trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris

Năm 1969, "3 chàng trai Thụy Sĩ" treo mình suốt 30 giờ trên tháp nhà thờ Đức Bà Paris để lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay kiêu hãnh. Hơn nửa thế kỷ sau, họ vẫn tiếp tục hành trình vì hòa bình và công lý.

30 giờ trên đỉnh tháp nhà thờ Đức bà Paris

Chiều ngày 18/11, tại Trung tâm Báo chí Tp.HCM, ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard – 2 trong 3 người Thụy Sĩ từng treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969 đã có buổi gặp gỡ xúc động với báo chí.

Hành động táo bạo năm ấy không chỉ tạo nên một dấu ấn khó phai trong phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam, mà còn thể hiện ý chí của những người trẻ sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng công lý và hòa bình.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú bày tỏ niềm tự hào, xúc động khi được đón tiếp 2 người hùng Thụy Sĩ. 

Ông cho biết: "Hành động của họ là một hành động rất cao cả, anh hùng. Tại thời điểm đó, chúng tôi ở đây không biết các ông từ đâu, là ai nhưng các ông đã tạo ra một dấu ấn lớn như thế. Có thể nói hành động của các ông là một lời hiệu cho cả thế giới biết, để chống lại đế quốc xâm lược. Trước đó, tôi có viết một bài về Việt Cộng gửi đến Paris, trong đó có nhắc đến việc treo cờ này, tuy nhiên lại không biết được đó là 3 ông Bachelard, Olivier và Nóe".

Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú bày tỏ niềm tự hào, xúc động khi được đón tiếp 2 trong 3 người hùng Thụy Sĩ treo cờ.

Theo lời kể, ngày 18/1/1969, khi các cuộc đàm phán về hòa bình cho Việt Nam chính thức diễn ra tại Paris, 3 chàng trai trẻ từ Lausanne (Thụy Sĩ) – Bernard Bachelard (26 tuổi), Olivier Parriaux (25 tuổi), và Nóe Graff (24 tuổi) quyết định thực hiện một hành động táo bạo để gửi thông điệp mạnh mẽ đến thế giới.

Họ lên kế hoạch chi tiết trong nhiều tháng, nghiên cứu cấu trúc nhà thờ Đức Bà Paris, chuẩn bị lá cờ lụa mềm mại rộng 17m² và tìm cách tiếp cận tháp chuông.

Ngày hành động, Olivier và Bernard tự "nhốt" mình trong nhà thờ từ sáng đến tối, chờ thời điểm thích hợp. 

Ông Bernard nhờ có kỹ năng leo trèo của một giáo viên thể dục, đảm nhiệm việc treo lá cờ trên đỉnh tháp cao nhất, trong khi ông Olivier hỗ trợ và Nóe làm nhiệm vụ cảnh giới.

Ông Olivier Parriaux (phải) và ông Bernard Bachelard (trái) – 2 trong số 3 người Thụy Sĩ từng treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969.

“Khó nhất không phải là lúc leo lên, mà là khi leo xuống. Chúng tôi phải cưa thanh sắt chắn ngang, tránh bị phát hiện. Nhưng khi lá cờ tung bay trong gió, mọi mệt nhọc đều tan biến,” ông Bernard kể lại.

Chia sẻ về động lực thực hiện hành động này, ông Olivier cho biết họ có ba mục tiêu: gây tiếng vang cho sự xuất hiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris, phê phán chính quyền Việt Nam Cộng hòa và phản đối chính sách chiến tranh của Mỹ.

Những năm 1960 là thời kỳ sôi động của các phong trào chống chiến tranh và ủng hộ phong trào giành độc lập tại các nước thuộc địa. Chính khí thế này đã hun đúc tinh thần chính trị mạnh mẽ trong 3 chàng trai trẻ.

Ông Olivier xúc động chia sẻ tại buổi gặp gỡ, bên cạnh là bà Trần Tố Nga hỗ trợ phiên dịch.

“Chúng tôi không thể đứng ngoài khi chứng kiến một dân tộc bị tàn phá bởi chiến tranh. Hành động ấy xuất phát từ trái tim và lương tâm của những người trẻ khao khát công lý,” ông Olivier chia sẻ.

Hành trình tiếp nối vì công lý

2 ông bày tỏ sự xúc động sâu sắc khi chứng kiến những hậu quả chiến tranh vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là sự tàn phá của chất độc da cam. Điều này đã thôi thúc họ tham gia vào cuộc đấu tranh pháp lý của bà Trần Tố Nga chống lại các tập đoàn hóa chất.

“Đây không chỉ là cuộc chiến của Việt Nam, mà còn là của tất cả những người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học trên thế giới,” ông Olivier khẳng định.

Cuốn sách Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame (Cờ Việt Cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà)

Hành động treo cờ tại nhà thờ Đức Bà Paris được công khai "danh tính" vào năm 2023 qua cuốn sách Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame (Cờ Việt Cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà). Cuốn sách kể lại câu chuyện với đầy đủ cảm xúc, hồi hộp, và khơi dậy sự ngưỡng mộ từ nhiều thế hệ độc giả.

2 ông khiêm tốn nói rằng, thông điệp của hành động quan trọng hơn danh tính người thực hiện. Tuy nhiên, chính động cơ cao cả của họ đã truyền cảm hứng mạnh mẽ không chỉ cho người Việt Nam mà còn cho bạn bè quốc tế.

Buổi gặp gỡ 2 công dân Thụy Sĩ treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam trên đỉnh cao Nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1969.

Hơn nửa thế kỷ sau sự kiện lịch sử, ông Bernard và ông Olivier đã đến Tp.HCM trong chuyến thăm kéo dài từ ngày 15 đến 19/11. Ông Nóe Graff, vì lý do sức khỏe, không thể tham dự. Tại đây, họ tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa: thăm địa đạo Củ Chi, tặng quà gia đình chính sách và nạn nhân chất độc da cam, giao lưu với thanh niên Tp.HCM, và đặc biệt là gặp gỡ các nhân chứng lịch sử để cùng nhìn lại hành trình gian khổ của Việt Nam sau chiến tranh.

Trước đó, vào ngày 17/11, lãnh đạo Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ sự tri ân sâu sắc với 2 người bạn Thụy Sĩ. “Hành động của các ông không vì lợi ích cá nhân, không vì đất nước mình, mà vì hòa bình và công lý, vì cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam,” ông chia sẻ.

Chuyến thăm của Olivier và Bernard không chỉ là dịp ôn lại những ký ức lịch sử mà còn là lời nhắc nhở về tinh thần đoàn kết quốc tế. Họ là những nhân chứng sống, những người đã góp phần vào hành trình tìm lại hòa bình và công lý cho Việt Nam.

“Dân tộc chúng tôi có câu ‘Uống nước nhớ nguồn". Việt Nam sẽ không bao giờ quên những người bạn quốc tế đã sát cánh trong cuộc đấu tranh giành độc lập và hòa bình,” lãnh đạo Thành ủy nhấn mạnh.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Nóc nhà in hình lá cờ Tổ quốc giữa không gian xanh ngát
Tham khảo thêm
Lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ