Hết thời liên kết bảo hiểm nhân thọ với ngân hàng?

Từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho nhiều ngân hàng, 2 năm trở lại đây, bảo hiểm nhân thọ liên kết ngân hàng (Bancass) rơi vào khủng hoảng khi doanh thu phí liên tục giảm. Sau hàng loạt quy định chặt chẽ vừa được ban hành, đã xuất hiện cuộc “chia tay” giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng.

Rạn nứt do tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm cao?

Từ năm 2022 tới nay, Tiền Phong liên tiếp nhận phản ánh của bạn đọc về việc gửi tiết kiệm ngân hàng bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Nhiều khách hàng sau vài năm gửi tiết kiệm tại ngân hàng mới phát hiện bỗng dưng “mua” hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Sau phản ánh của Tiền Phong, doanh nghiệp bảo hiểm trả lại tiền cho khách hàng. Bên cạnh đó, một số khách hàng cũng phản ánh bị “ép” mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn ngân hàng.

Trước thực tế trên, Bộ Tài chính thanh tra hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (DN BHNT). Theo kết luận thanh tra Bộ Tài chính công bố năm 2023, tỷ lệ hủy hợp đồng qua kênh Bancass nhiều nhất. Tiêu biểu như tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực sau năm đầu tiên của BIDV Metlife ở mức 39,4%, của MB Ageas 32,4%, của Prudential 41%, AIA ở mức 57%, Sunlife từ 39-73% (tùy theo ngân hàng phát hành hợp đồng). Một số doanh nghiệp khác cũng có tỷ lệ hợp đồng mất hiệu lực tương tự mức trên.

Đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, khi xảy ra tình trạng hủy hợp đồng lớn, cả doanh nghiệp và khách hàng đều thiệt. Điều này xuất phát từ mô hình triển khai của DN BHNT, chi phí khai thác năm đầu lớn để thu phí dài hạn những năm tiếp theo. Tuy nhiên, khách hàng hủy hợp đồng ở các năm đầu gần như mất toàn bộ phí đã đóng. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng không còn doanh thu phí do khách hàng hủy hợp đồng.

Trước thực tế trên, tại văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023, Bộ Tài chính bổ sung nhiều quy định chặt chẽ đối với Bancass. Cụ thể, ngân hàng bán chéo bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại trong 5 năm toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng. Tài liệu giới thiệu sản phẩm phải bảo đảm phản ánh trung thực các thông tin cơ bản, không được cung cấp thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm kỳ vọng và hiểu lầm. Ngân hàng phải bố trí quầy tư vấn bảo hiểm tách biệt với quầy dịch vụ ngân hàng.

Dù là nghiệp vụ có số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới nhiều nhất hiện nay, nhưng mối quan hệ giữa DN BHNT và ngân hàng bắt đầu có lối đi riêng. Cty bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam và Techcombank thông báo ngừng hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền từ ngày 14/10. Hai đơn vị này đã hợp tác hơn 10 năm.

“Trước bối cảnh thị trường và chiến lược hai bên có nhiều thay đổi cùng với những yêu cầu mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Manulife Việt Nam và Techcombank ngừng hợp tác. Sản phẩm bảo hiểm của Manulife sẽ ngừng được phân phối qua kênh Techcombank”, Manulife cho biết.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cùng giám sát

Sau khủng hoảng Bancass, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc giám sát thị trường bảo hiểm nhân thọ . Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng.

Manulife và Techcombank thông báo ngừng hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm nhân thọ. Trong ảnh, lễ ký kết hợp tác giữa 2 đơn vị này trước đó. Ảnh: TBTCVN

Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Trong kế hoạch thanh tra năm 2023 của một số ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nhà nước bổ sung nội dung thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã trao đổi, làm việc và thống nhất thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán cho rằng, Bancass là một trong các kênh phân phối, bán sản phẩm của DN BHNT. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, đây là kênh bán hàng tận dụng được ưu thế của cả ngân hàng và DN BHNT. Tuy nhiên, tại Việt Nam thời gian qua xuất hiện biến tướng thị trường, gây ảnh hưởng tới lòng tin của khách hàng. Sau khi mất niềm tin, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ suy giảm khiến hợp tác này không còn mang lại kết quả tốt như trước.

“Việc các bộ, ngành đưa ra giải pháp triệt để, phối hợp giám sát sẽ giúp kênh Bancass phát triển lành mạnh. Đây cũng là cơ hội để ngân hàng và DN BHNT xem xét, điều chỉnh điều khoản phù hợp với tình hình mới. Khi hủy hợp tác, yếu tố quan trọng nhất, DN BHNT phải đảm bảo duy trì quyền lợi cho khách hàng như hợp đồng đã ký kết”, ông Đán nói.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 9 tháng năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ gần 107.000 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới gần 14.000 tỷ đồng, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2022 (trước khi xảy ra khủng hoảng Bancass).