Ông Hans Nguyễn – cố vấn trưởng Dragon Capital: "95% nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thế giới đang thua lỗ trong ngắn hạn"

Hiện chỉ có khoảng 30% người Việt Nam trưởng thành có hiểu biết về tài chính, thấp hơn so với trung bình khu vực ASEAN là 38%.

Tại tập 2 chương trình The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền), các chuyên gia tài chính tiếp tục có những chia sẻ đáng chú ý, đặc biệt là những lời khuyên cho các bạn trẻ - thế hệ nhà đầu tư mới.

Chủ đề tập này xoay quanh việc phân bổ tài chính với tên gọi “Quỹ đạo chi tiêu”. Các bên tham gia là đại diện Top 3 đến từ 3 trường: Trường Đại học Thuỷ lợi, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế và Học viện Ngân hàng.

Từ khoá được đưa ra là “Lạm phát”. Chia sẻ về từ khoá này, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) cắt nghĩa: “ Lạm chính là làm quá một cái gì đó, phát chính là tăng lên. Một cái gì đó bị tăng lên quá mức thì chính là câu chuyện của lạm phát. Lạm phát là sự tăng giá của hàng hoá, dịch vụ và là sự mất giá của giá trị đồng tiền ".

Vòng thứ hai của chương trình là Đầu tư giả lập. Chương trình cung cấp một bối cảnh kinh tế giả định, đây là cơ sở để các đội chơi có thể đánh giá và phân bổ Monee. Ghi nhận, các đội đều có 2 phút để kêu gọi vốn đầu tư đến các vị ban giám khảo.

Phân bổ 50% tài sản cho cổ phiếu ngân hàng được chuyên gia ghi nhận

Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh trên 8%, cao nhất trong 5 năm và CPI tăng 7-7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường chứng khoán tăng nóng từ đầu. Bên cạnh đó, Ngân hàng vừa tăng lãi suất kiềm chế lạm phát (quanh mức 5%). Đồng thời, thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn trầm lắng, giá chung cư giảm nhẹ. Các đội phân bổ như sau:

+ Đội thi Học viện Ngân hàng: 20% cho Kim loại quý, 30% cho Cổ phiếu hàng tiêu dùng, 20% cho Cổ phiếu cảng biển và 20% cho Gửi tiết kiệm, đây là quyết định lựa chọn đầu tư các tài sản này dựa trên mục tiêu chung và dài hạn.

+ Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế: 50% cho Cổ phiếu ngân hàng, 15% cho Cổ phiếu hàng tiêu dùng, 10% cho Đất vùng ven, 15% cho Dầu mỏ và 10% cho Gửi tiết kiệm.

+Trường Đại học Thuỷ lợi: 40% cho Kim loại quý, 30% cho Cổ phiếu hàng tiêu dùng, 30% cho Đất vùng ven.

Kết quả, Trường Đại học Kinh Tế - Đại Học Huế dẫn đầu khi gọi vốn thành công. Ông Hans Nguyễn tiếp tục có chia sẻ đáng chú ý với nhà đầu tư trẻ: “ Đầu tư cổ phiếu ngắn hạn chỉ dành cho chuyên gia, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thống kê trên khắp thế giới có 95% nhà đầu tư nhỏ lẻ thua lỗ trong đầu tư chứng khoán ngắn hạn. Tiếp theo, rất quan trọng trong phân bổ tài sản là phải điều chỉnh khi thị trường thay đổi ”.

Được biết, ông Hans Nguyễn từng là một trong những Quản lý Cao cấp Đào tạo kênh phân phối Dragon Capital Việt Nam. Ông đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc ở tập đoàn đầu tư tài chính quốc tế, trong đó 8 năm đảm nhận vị trí Giám đốc đầu tư Zurich Insurance Group cùng với đó là hơn 10 năm kinh nghiệm quản lý danh mục hơn 5 tỷ USD; Cố vấn tài chính mảng Private Banking & Wealth Management tại UBS AG các khu vực Zurich, New York, Luxembourg.

Hơn 15 năm làm việc tại Việt Nam, ông quản lý các quỹ đầu tư cổ phiếu, bất động sản và quản lý danh mục tài sản cho các gia đình thượng lưu. Hiện, ông Hans Nguyễn dưới kinh nghiệm của mình đã và đang có nhiều chia sẻ về tài chính cho các nhà đầu tư, đặc biệt GenZ.

Ảnh: Chỉ khoảng 30% người Việt Nam trưởng thành có hiểu biết về tài chính.

Chỉ khoảng 30% người Việt Nam trưởng thành có hiểu biết về tài chính

Đến với The Moneyverse, hí sinh chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng với giá trị 1 tỷ đồng.

“Con số 1 tỷ đồng có giá trị rất đặc biệt vì đây là cột mốc đầu tiên cho các bạn trẻ làm sao để đạt được, khi mình đạt được nó chứng minh rằng mình đã vượt qua một số thử thách. Hiểu về chi tiêu, thu nhập, đầu tư, tích luỹ giúp bạn đạt được cột mốc đầu tiên. Quan trọng nhất là một khi đã có được 1 tỷ, tỷ thứ 2 hay tỷ thứ 3 sẽ rất khả thi”, vị này chia sẻ trong tập đầu tiên của chương trình.

Hiện chỉ có khoảng 30% người Việt Nam trưởng thành có hiểu biết về tài chính, thấp hơn so với trung bình khu vực ASEAN là 38%. Giới trẻ, dù được tiếp xúc hằng ngày với internet, công nghệ, vẫn nằm trong nhóm bị lừa cao nhất trên không gian mạng. Theo các chuyên gia, đây cũng là lực lượng bắt đầu tiếp cận nhiều với tiền (kiếm tiền, tiết kiệm, đầu tư). Song người trẻ, nhất là thế hệ Gen Z (12-27 tuổi) lại đang loay hoay với tiền, bị bủa vây bởi nạn tín dụng đen, tội phạm tài chính.

Riêng chân dung nhà đầu tư GenZ, TS Cấn Văn Lực trước đó chia sẻ với Gen Z, khi gặp bất cập về tài chính cá nhân sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề, như mất tiền, đầu tư đa cấp, bị lừa đảo... Do đó, bản thân ông luôn kỳ vọng Việt Nam có nhiều chương trình giúp người dân kiếm tiền, tiêu tiền và đầu tư tiền thông minh hơn.