Trekking Tà Chì Nhù - những bước chân trên "nóc nhà" Yên Bái

Bản lĩnh và kiên cường của những người yêu khám phá thiên nhiên cùng khung cảnh tuyệt đẹp từ hoa chi pâu đến những đỉnh núi hùng vĩ, đã biến Tà Chì Nhù trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ cho những ai đam mê trekking.

Người dẫn đường của núi rừng

Ở độ cao 2.979m, đỉnh Tà Chì Nhù thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, vươn mình kiêu hãnh trong danh sách 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Với cảnh quan hùng vĩ và hệ sinh thái rừng phong phú, Tà Chì Nhù được mệnh danh là "nóc nhà" của tỉnh Yên Bái. 

Đây cũng là một trong những điểm trekking nổi tiếng thu hút những người đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã và yêu thích sự mạo hiểm.

Tại Tà Chì Nhù, khung cảnh thiên nhiên hiện lên như một bức tranh hoàn mỹ, những ngọn đồi xanh mướt hoà quyện với sự tinh tế, dịu dàng của những thảm hoa chi pâu tím biếc – loài hoa đặc trưng của vùng Tây Bắc.

Hoa chi pâu chỉ nở rộ vào khoảng tháng 9 và tháng 10 mỗi năm, tạo nên một khung cảnh lãng mạn, huyền ảo giữa núi rừng, khiến bao người phải say đắm.

Đỗ Anh - hướng dẫn viên du lịch địa phương với hơn hai năm kinh nghiệm, chính là người dẫn dắt đoàn khách trong hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. Với tình yêu sâu sắc dành cho núi rừng, Đỗ Anh luôn truyền cảm hứng mãnh liệt cho những ai đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã của Yên Bái.

“Không chỉ mùa hoa chi pâu, mà cả mùa hoa đỗ quyên hay lá phong đỏ, tôi luôn cảm thấy một sự thôi thúc mãnh liệt để dẫn dắt những người yêu núi lên đây. Tôi muốn họ không chỉ nhìn thấy mà còn thực sự cảm nhận được vẻ đẹp kỳ diệu và hiếm có của thiên nhiên”, Đỗ Anh chia sẻ với Người Đưa Tin với đầy sự tự hào về vùng đất mà anh gắn bó.

Trên cung đường đi du khách sẽ được chiêm ngưỡng không gian hùng vĩ của những cánh rừng nguyên sinh (Ảnh: Đỗ Anh).

Đoàn trekking lần này có 15 thành viên, đa số đều là lần đầu tiên trải nghiệm leo núi. Họ bắt đầu hành trình vào lúc 4h sáng từ phía Nậm Nghiệp, theo Đỗ Anh đi hướng này du khách sẽ được chiêm ngưỡng những khu rừng nguyên sinh và cảnh quan rất đẹp.

khi ánh đèn pin chập chờn giữa đêm khuya, tiếng bước chân vang vọng trên nền đất, không gian tĩnh mịch của rừng núi càng khiến mọi người cảm thấy hưng phấn và mong chờ.

Đây là thời điểm lý tưởng để bắt đầu chặng đường, vì vào ban ngày thời tiết khắc nghiệt và ánh nắng mạnh sẽ khiến việc leo núi trở nên mệt mỏi hơn.

Đến trưa cả đoàn nghỉ ngơi, ăn uống để nạp lại năng lượng (Ảnh: Đỗ Anh).

Sau khoảng 6 giờ đồng hồ leo núi, đoàn sẽ dừng chân để ăn trưa tại một khu vực. Bữa trưa giữa thiên nhiên không chỉ là thời gian nạp năng lượng mà còn là lúc cả đoàn chia sẻ về những thử thách đã vượt qua.

Sau bữa ăn, Đỗ Anh chia đoàn thành ba tốp dựa theo sức khỏe và tốc độ di chuyển của từng người.

"Những ai khỏe hơn sẽ đi trước, tốp trung bình sẽ đi giữa, còn tốp yếu sẽ đi sau cùng. Tuy nhiên, cả đoàn vẫn sẽ dừng lại ở những điểm nghỉ chung để đợi nhau”, Đỗ Anh nói.

Đỗ Anh - hướng dẫn viên du lịch địa phương.

Chiến lược này giúp mọi người duy trì sự thoải mái trong suốt hành trình và đồng thời khuyến khích tinh thần đồng đội. Đỗ Anh liên tục đảo giữa các tốp để trò chuyện và đảm bảo rằng không ai gặp vấn đề về sức khỏe.

Con đường lên đỉnh Tà Chì Nhù đầy thử thách với những đoạn dốc dài, địa hình gồ ghề và khi lên đến độ cao hơn 2.000m, khí hậu trở nên khắc nghiệt với gió rét và không khí loãng. Nhưng đoàn không hề chùn bước. Suốt hành trình cả nhóm động viên và giúp đỡ lẫn nhau, từ những đoạn leo dốc khó nhằn cho đến lúc cần nghỉ ngơi để hít thở sâu.

Quỳnh Anh, một thành viên đến từ Hà Nội, không giấu nổi sự hào hứng: “Đây là lần đầu tiên tôi đi leo núi và tôi phải thừa nhận rằng ban đầu tôi cảm thấy khá lo lắng. Nhưng khi thấy mọi người trong đoàn cùng nhau động viên và hỗ trợ nhau, tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều", Quỳnh Anh bày tỏ.

Bạn Quỳnh Anh (Hà Nội) háo hức khi lần đầu leo núi (Ảnh: Đỗ Anh).

Một thành viên khác trong đoàn, bạn Trần Đức (Hà Nội) chia sẻ: "Trong hành trình này, tôi không chỉ được chinh phục đỉnh núi mà còn tìm thấy những người bạn mới. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn và tất cả đã tạo nên một bầu không khí thân thiết, ấm áp".

Cuối cùng, khi cả đoàn đặt chân lên đỉnh Tà Chì Nhù, cảnh tượng trước mắt họ thực sự khiến mọi người nghẹn ngào. Những bông hoa chi pâu xanh tím nhạt trải dài trên các triền núi, dưới ánh mặt trời nhẹ nhàng chiếu rọi, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp đến mê hồn.

"Trước mắt tôi là một thảm hoa chi pâu trải dài đến vô tận, những cánh hoa mỏng manh nhưng đầy sức sống. Được tận mắt chứng kiến cảnh tượng này, tôi mới hiểu vì sao người ta nói mùa hoa chi pâu là linh hồn của Tây Bắc và chỉ có ở nơi đây, vào thời khắc này, mới có thể thấy được hết vẻ đẹp tinh tế của nó", Quỳnh Anh xúc động nói.

Hoa chi pâu nở rộ dưới ánh nắng mùa thu (Ảnh: Đỗ Anh).

Theo Đỗ Anh, hoa chi pâu không chỉ là một loài hoa đẹp, nó còn là biểu tượng của sự bền bỉ, kiên cường – giống như tinh thần của những người đã leo lên đây.

Khi đêm xuống, cả đoàn sẽ nghỉ qua đêm tại lán trại, chuẩn bị cho một đêm dưới bầu trời sao tuyệt đẹp. 

“Đây là một trong những phần yêu thích của tôi khi leo núi, được ngắm nhìn bầu trời đêm không bị ô nhiễm ánh sáng như ở thành phố. Trong không gian tĩnh lặng của rừng núi, nghe tiếng gió thổi qua từng ngọn cây thật sự là một trải nghiệm không thể nào quên”, một thành viên trong đoàn chia sẻ.

Đêm sao ở đỉnh Tà Chì Nhù (Ảnh: Đỗ Anh).

Sáng hôm sau, cả đoàn thức dậy sớm để kịp chiêm ngưỡng bình minh trên đỉnh Tà Chì Nhù. Khoảnh khắc mặt trời từ từ nhô lên từ những đám mây, ánh sáng đầu tiên lan tỏa khắp thung lũng phía dưới tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy sức sống và kỳ diệu.

Trên hành trình trở về, mọi người trong đoàn đều mang theo những kỷ niệm khó quên và những cảm xúc tràn đầy. Họ không chỉ chinh phục được đỉnh núi mà còn tìm thấy trong lòng mình tình yêu với thiên nhiên, với văn hóa và sự kết nối sâu sắc giữa con người.

“Có những khoảnh khắc trong đời mà bạn biết rằng mình sẽ nhớ mãi. Đứng trên đỉnh núi cao, ngắm những bông hoa mỏng manh trong gió, tôi thực sự cảm nhận được sự kỳ diệu của tự nhiên”, Trần Đức chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của Đỗ Anh, lời khuyên dành cho mọi người trước khi đi leo núi là rèn luyện thể lực để tăng cường sức bền. 

“Đạp xe, leo cầu thang, hoặc chạy bộ là những bài tập hữu ích. Tuy nhiên, bạn nên dừng tập luyện khoảng 2 ngày trước khi leo núi để cơ thể được nghỉ ngơi và sẵn sàng cho chặng đường khó khăn phía trước”, Đỗ Anh chia sẻ thêm.

Hướng đi bền vững cho du lịch mạo hiểm 

Tà Chì Nhù không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch mạo hiểm tại Yên Bái. Theo thống kê từ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Trạm Tấu, tính đến tháng 9/2024, nơi đây đã thu hút hơn 117.300 lượt khách đến trải nghiệm, ghi nhận sự phát triển ấn tượng của du lịch địa phương.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Dương Phương Thảo - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Trạm Tấu, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn của du lịch mạo hiểm tại Yên Bái, đặc biệt là khu vực Tà Chì Nhù. Tuy nhiên, để phát triển bền vững chúng tôi đang tập trung vào việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo an toàn cho du khách và nâng cao chất lượng dịch vụ".

Tính đến tháng 9/2024, nơi đây đã thu hút hơn 117.300 lượt khách đến trải nghiệm (Ảnh: Đỗ Anh).

Một trong những thách thức lớn nhất đối với du lịch mạo hiểm ở Tà Chì Nhù là việc duy trì sự cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng du khách đòi hỏi địa phương phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ, nhằm ngăn chặn các hoạt động gây tổn hại đến cảnh quan và văn hóa bản địa. 

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền huyện Trạm Tấu đã bắt tay cùng các doanh nghiệp du lịch xây dựng các dịch vụ hỗ trợ như homestay, các tour khám phá kết hợp văn hóa địa phương. 

Điều này không chỉ giúp tạo ra những trải nghiệm sâu sắc hơn cho du khách mà còn đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa, giúp cộng đồng dân tộc thiểu số tại đây có thêm nguồn thu nhập bền vững.

Trekking đỉnh Putaleng ngắm “Nữ hoàng hoa Tây Bắc”Khai thác “mỏ vàng” từ xu hướng du lịch Caravan, Trekking

Đặc biệt, chính quyền địa phương cũng đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng giao thông, đồng thời phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao nhằm thu hút du khách nước ngoài. 

Những nỗ lực này hướng đến việc kết hợp du lịch mạo hiểm với các hoạt động bảo vệ môi trường và khám phá văn hóa.

Nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của loại hình du lịch trekking tại Tà Chì Nhù, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã không ngừng đầu tư vào các tour chuyên nghiệp, đồng thời tạo ra những trải nghiệm độc đáo, gắn kết du khách với thiên nhiên và văn hóa bản địa. 

Năm 2023, Công ty Thương mại và Du lịch Hưng Việt đã phối hợp cùng Báo Pháp luật Việt Nam và UBND huyện Trạm Tấu tổ chức Giải leo núi "Bước chân trên mây", một sự kiện đầu tiên với sự tham gia của 100 nhà báo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

100 nhà báo, phóng viên thuộc các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước tham gia chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù.

Ông Nguyễn Việt Hưng - Giám đốc Công ty Hưng Việt bày tỏ: "Mùa giải đầu tiên đã mang lại thành công ngoài mong đợi. Năm nay chúng tôi lại tiếp tục tổ chức giải lần 2, tuy nhiên do ảnh hưởng của bão Yagi nên phải hoãn lại đến tháng 3 năm sau".

Ông Hưng tin rằng sự chờ đợi này sẽ giúp du khách có thời gian chuẩn bị và trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất khi tham gia giải đấu.

Theo vị Giám đốc, thời điểm hiện tại rất lý tưởng cho những chuyến chinh phục đỉnh núi. Không chỉ có cơ hội ngắm hoa chi pâu nở rộ, mà tại Tà Xùa  mùa này cũng là lúc những thảm rêu xanh tươi mát trải dài khắp lối đi, tạo nên khung cảnh nên thơ và ấn tượng.