Vì sao các tổ chức tín dụng ngại cho vay vốn nông nghiệp?

Theo ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt. Những rủi ro này làm cho các tổ chức tín dụng e ngại khi cho vay, vì ngành nông sản ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thiên nhiên...

Đánh giá trên được chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đưa ra tại Hội thảo Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nhanh, bền vững, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 18/11, tại Cần Thơ.

Tỷ lệ tín dụng cho nông nghiệp còn thấp do rủi ro lớn.

Tiếp cận vốn rất khó khăn

Thông tin từ hội thảo cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL. Đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng tại khu vực ĐBSCL đạt 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn.

Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp (DN) nông, lâm, thủy sản ở ĐBSCL, trong đó có các ngành hàng chủ lực như lúa gạo , thủy sản, rau quả còn gặp nhiều khó khăn. Công bố của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, kết quả triển khai một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được như kỳ vọng.

Đơn cử, cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp nông thôn ; dư nợ của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị chưa có nhiều chuyển biến. Tài sản bảo đảm khoản vay là đất nông nghiệp có giá trị thấp, công trình xây dựng trên đất chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, khó định giá, vẫn là vướng mắc lớn.

Qaung cảnh hội thảo. Ảnh: CK.

Theo ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ , vùng ĐBSCL chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt. Những rủi ro này làm cho các tổ chức tín dụng e ngại khi cho vay, vì ngành nông sản ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thiên nhiên. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và manh mún khiến các ngân hàng khó kiểm soát và khó đánh giá chính xác về rủi ro tín dụng.

Hơn nữa, do đất đai bị chia nhỏ và giá trị không cao, nông dân khó có đủ tài sản thế chấp theo yêu cầu của ngân hàng. Các khoản vay nông nghiệp thường có lãi suất cao hơn so với mức mà nông dân có thể chi trả. Trong khi đó, thiếu các giải pháp bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp, rủi ro thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của nông dân, khiến các ngân hàng thêm thận trọng trong việc cung cấp tín dụng…

Nhiều hạn chế, khó khăn

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn quá khiêm tốn. Vốn đầu tư cho nông - lâm - thủy sản từ khoảng 60 nghìn tỷ đồng năm 2011 tăng lên 144.000 tỷ đồng năm 2023, tuy nhiên tỷ trọng của lĩnh vực này so với tổng đầu tư toàn xã hội lại giảm, từ 5,1% năm 2011 xuống còn 4,2% năm 2023.

Nhiều hạn chế, tồn tại được ông Lực nêu ra. Nổi bật như, việc liên kết giữa 4 nhà còn thiếu chặt chẽ, bền vững, các cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra chưa được thực hiện nghiêm túc, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa, tạo khó khăn cho ngân hàng khi thu hồi vốn vay.

Trong khi đó, bảo hiểm nông nghiệp tuy đã có chính sách, hướng dẫn nhưng triển khai thực tế còn chậm, chưa có tổng kết để chính thức nhân rộng. Chưa có nguồn vốn chính sách ưu đãi cho các tổ chức tín dụng để cho vay, các tổ chức tín dụng vẫn phải huy động từ nguồn vốn thương mại lãi suất cao, trong khi lãi suất cho vay chịu áp trần.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: CK.

Ông Lực cho rằng, c ho vay trong nông nghiệp rất rủi ro, nhưng lại phải lãi suất thấp, nên rất khó. Muốn gỡ vấn đề này, cần 3 cách tiếp cận. Thứ nhất, Nhà nước phải bơm một phần vốn mồi, nói nôm na là vốn hỗ trợ. Thứ hai phải đẩy mạnh lĩnh vực bảo hiểm lên, để bớt đi rủi ro. Thứ ba, bản thân doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người nông dân phải cố gắng sản xuất cho hiệu quả để có tiền trả nợ ngân hàng, bớt đi nợ xấu, bớt đi rủi ro, khi đó ngân hàng mới mạnh dạn cho vay.

Một khó khăn khác được chuyên gia kể ra, đó là bên vay thiếu tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo có vấn đề, thường là đất nông nghiệp, không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu để đăng ký giao dịch bảo đảm; hoặc là đất thuê trả tiền hàng năm nên không được thế chấp theo quy định; hay tài sản có tính đặc thù, khó định giá và thanh khoản không cao như nhà kính, dây chuyền công nghệ...

Tiếp cận tín dụng trong nông nghiệp ở ĐBSCL còn nhiều khó khăn. Ảnh: CK.

Gợi ý giải pháp đối với Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, ông Lực cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống thông tin dự báo về thị trường, giá cả nông sản nhằm giúp nông dân và DN có định hướng sản xuất, tiêu thụ ổn định. Có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung xây dựng thương hiệu, tận dụng FTA thế hệ mới; khuyến khích phát triển liên kết, tài trợ chuỗi cung ứng, đặc biệt là cho vay DN thu mua lớn.

Cùng với đó, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Triển khai hiệu quả hơn chính sách bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ và quyền sở hữu tài sản trên đất, đặc biệt là tài sản hình thành từ dự án trên đất nông nghiệp như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi...

Về lĩnh vực tài chính - tiền tệ, ông Lực kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất phù hợp nhằm khuyến khích các chủ thể sản xuất, DN đầu tư nông nghiệp, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn. Thực hiện các giải pháp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, nâng cao hiểu biết cho người nông dân, DN nông thôn; xây dựng/đổi mới chính sách và quy trình cấp tín dụng đối với từng phân khúc khách hàng...