Cửa ô Hà Nội, hồn cốt văn hóa Thăng Long nghìn năm

Trong lòng Hà Nội, những cửa ô không chỉ là những công trình kiến trúc cổ kính mà còn là những chứng nhân sống động của lịch sử, văn hóa và cuộc sống người dân Thăng Long.

Những chứng nhân lịch sử

Khi nhắc đến Hà Nội, người ta không thể không nhớ đến những di sản văn hóa đặc trưng của nơi đây. Trong số đó, các cửa ô là những mốc son của quá khứ, gắn liền với sự hình thành và phát triển của đô thị Thăng Long. 

Đặc biệt, 70 năm về trước vào đúng 8h sáng ngày 10/10/1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng từ 5 cửa ô đã tiến vào tiếp quản Hà Nội, được chào đón bởi hàng vạn người dân Thủ đô trong bầu không khí rộn ràng của cờ hoa.

Thành Thăng Long xưa được bao bọc bởi ba con sông: Hồng, Tô Lịch và Kim Ngưu. Hầu hết các cửa ô đều đổ ra ba con sông này, tạo nên hệ thống giao thông và kinh tế nhộn nhịp. Tuy nhiên, trải qua những biến động của lịch sử, các cuộc chiến tranh liên miên đã xóa nhòa nhiều dấu tích của những cửa ô của kinh thành Thăng Long xưa.

Cửa ô Hà Nội, hồn cốt văn hóa Thăng Long nghìn năm- Ảnh 1.

Ngày nay, trong số năm cửa ô lịch sử, chỉ còn Ô Quan Chưởng là cổng thành duy nhất còn tương đối nguyên vẹn. Các cửa ô khác như Đống Mác, Cầu Dền, Cầu Giấy, và Chợ Dừa hiện vẫn tồn tại nhưng chủ yếu mang tính chất địa danh trong hệ thống phố phường của thủ đô.

Cửa ô Hà Nội, hồn cốt văn hóa Thăng Long nghìn năm- Ảnh 2.

Ngày nay, Ô Quan Chưởng nằm nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu (quận Hoàn Kiếm), gần dưới chân cầu Chương Dương (Ảnh: Hữu Thắng).

PGS.TS. Phạm Ngọc Trung - người gốc Hà Nội và là nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của đô thị Thăng Long. 

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông cho biết, từ thời Lý - Trần các cửa ô không chỉ là những điểm quan trọng về quân sự mà còn là những cổng giao thương, kết nối giữa nội thành và ngoại vi.

“Thông qua các cửa ô, người dân từ các làng nghề ngoại thành có thể đưa sản vật vào kinh thành để buôn bán, trao đổi. Điều này đã thúc đẩy sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng miền, đồng thời hình thành nên bản sắc đô thị độc đáo cho Thăng Long,” ông Trung nhấn mạnh.

Cửa ô Hà Nội, hồn cốt văn hóa Thăng Long nghìn năm- Ảnh 3.

PGS.TS. Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: AJC.HCMA).

Ô Quan Chưởng, được xây dựng vào năm 1749, là cửa ô duy nhất còn lại từ thời nhà Nguyễn, đóng vai trò không chỉ là cổng thành mà còn là biểu tượng của sự bảo vệ và canh phòng cửa ngõ vào kinh thành. Với kiến trúc đặc sắc và lịch sử hào hùng,

PGS.TS. Trung cho hay, Ô Quan Chưởng đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Những dấu vết còn lại ở đây không chỉ phản ánh về lịch sử quân sự mà còn ghi lại những giá trị văn hóa, tinh thần của người dân Thăng Long qua bao thế kỷ.

Cửa ô Hà Nội, hồn cốt văn hóa Thăng Long nghìn năm- Ảnh 4.

Ô Quan Chưởng xưa (Ảnh: Tư liệu).

Cùng với Ô Quan Chưởng, một số cửa ô khác cũng mang trong mình những giá trị văn hóa và lịch sử đáng kể. Ông Trung phân tích, Ô Chợ Dừa nằm tại Quận Đống Đa, hiện nay là điểm giao cắt của nhiều tuyến phố quan trọng như Xã Đàn, Khâm Thiên, và Tôn Đức Thắng. Đây là một trong những nút giao thông đông đúc và sầm uất của Hà Nội.

Ô Cầu Giấy nằm ở đoạn cây cầu bắc qua sông Tô Lịch tại ngã tư đường Láng, Kim Mã, và Cầu Giấy là một trong những cửa ô chiến lược, nối liền các khu vực nội thành và ngoại thành.

Ô Đống Mác nằm cuối phố Lò Đúc, là một phần không thể thiếu trong ký ức của người dân Thủ đô. Ô Cầu Dền là ngã tư nối 4 tuyến phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, hiện là nút giao thông có cầu vượt, giảm thiểu ùn tắc giờ cao điểm.

Cần hành động cụ thể để bảo tồn

Thực tế, đô thị hóa đã khiến không ít cửa ô biến mất và hiện tại chỉ còn lại những dấu tích mờ nhạt của một số cửa ô trong ký ức người dân. 

PGS.TS. Phạm Ngọc Trung nhận xét "đây thực sự là một mất mát lớn đối với di sản văn hóa của Hà Nội". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng chúng ta không nên chỉ tiếc nuối, mà cần có những hành động cụ thể để bảo tồn những di sản còn lại. 

Theo PGS.TS một ví dụ tiêu biểu là việc phục dựng lại những cổng làng ở Hà Nội, với kiến trúc mái vòm tương tự các cửa ô như cổng làng Lệ Mật, làng Kim Liên, hay làng Thái Hà Ấp... Những cổng làng này không chỉ mang giá trị kiến trúc mà còn là những di sản văn hóa, cần được nghiên cứu và bảo tồn song hành với các cửa ô. 

Cửa ô Hà Nội, hồn cốt văn hóa Thăng Long nghìn năm- Ảnh 5.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, các cơ quan chức năng cần phục dựng lại các cửa ô để du khách trong nước và quốc tế hình dung rõ hơn về sự tồn tại của kinh đô Thăng Long xưa (Ảnh: HTTL).

Việc phục dựng lại các cửa ô sẽ không chỉ giúp du khách trong nước và quốc tế hình dung rõ hơn về sự tồn tại của kinh đô Thăng Long xưa, mà còn là điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển du lịch văn hóa của Hà Nội. Ngoài ra, PGS.TS. Trung còn đề xuất việc áp dụng công nghệ hiện đại vào bảo tồn di sản. 

"Công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là 3D và AI,.. có thể giúp tái hiện không gian và kiến trúc của các cửa ô một cách sống động. Du khách có thể sử dụng những hình ảnh, sơ đồ mô tả để tưởng tượng ra vị trí và tầm vóc của kinh thành Thăng Long xưa", ông nói. Điều này sẽ giúp kết nối giữa quá khứ và hiện tại một cách rõ nét hơn, đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng giá trị lịch sử.

Và để hiện thực hóa những ý tưởng này, triển lãm “Hà Nội và những Cửa ô” tổ chức vào ngày 7/10 sắp tới sẽ là một sự kiện không thể bỏ lỡ, hứa hẹn mang lại cái nhìn sâu sắc về giá trị lịch sử và văn hóa của các cửa ô. 


Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, triển lãm không chỉ giúp công chúng hiểu rõ hơn về vai trò của các cửa ô trong đời sống kinh tế, xã hội và chức năng phòng thủ của kinh thành Thăng Long, mà còn khơi gợi niềm tự hào về di sản văn hóa và lịch sử của Thăng Long - Hà Nội trong lòng người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bà Nguyễn Minh Thu - Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội cho biết: "Triển lãm 'Hà Nội và những Cửa ô' được tổ chức với mục tiêu giúp công chúng hiểu rõ hơn về vai trò lịch sử của các cửa ô trong đời sống kinh tế, xã hội, và chức năng phòng thủ của kinh thành Thăng Long qua nhiều thế kỷ.

Chúng tôi mong rằng triển lãm này sẽ khơi gợi tình yêu và niềm tự hào về di sản văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là với thế hệ trẻ".

Cửa ô Hà Nội, hồn cốt văn hóa Thăng Long nghìn năm- Ảnh 6.

Bà Nguyễn Minh Thu, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (Ảnh: Kim Thoa).

Triển lãm “Hà Nội và những Cửa ô” sẽ giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh được lưu trữ tại các cơ quan uy tín như Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO), Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, và Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố Hà Nội. 

Qua những bản đồ, bản vẽ, tài liệu viết bằng ngôn ngữ Hán Nôm và tiếng Pháp, trưng bày tái hiện chi tiết sự hình thành và phát triển của các cửa ô từ thời Lý - Trần cho đến thời Lê - Nguyễn và thời Pháp thuộc. Những tài liệu quý giá này không chỉ giúp khắc họa rõ nét hình ảnh các cửa ô trong quá khứ mà còn gợi nhắc về sự thay đổi của Thăng Long - Hà Nội qua từng giai đoạn lịch sử.

Cửa ô Hà Nội, hồn cốt văn hóa Thăng Long nghìn năm- Ảnh 7.

Ô Cầu Dền xưa (Ảnh: Tư liệu).

Triển lãm được chia thành ba chủ đề chính, mỗi chủ đề mang một ý nghĩa quan trọng trong việc kể lại câu chuyện về các cửa ô.

Chủ đề đầu tiên “Cửa ô xưa”, khám phá lịch sử, kiến trúc và vai trò của các cửa ô, trong đó Ô Quan Chưởng là minh chứng sống động cho sự biến đổi của Hà Nội trong thời kỳ đô thị hóa. 

Chủ đề thứ hai “Cửa ô chiến thắng”, đưa người xem trở lại tháng 10/1954, khắc họa khoảnh khắc lịch sử khi quân đội tiến vào tiếp quản Thủ đô, biểu trưng cho sự đoàn kết và chiến thắng của dân tộc. 

Tham khảo thêm
Ngắm di tích cửa ô cuối cùng của Hà Nội xưaNgắm di tích cửa ô cuối cùng của Hà Nội xưa

Cuối cùng, chủ đề thứ ba “Những bước chuyển mình của Hà Nội sau ngày thống nhất”, giới thiệu sự phát triển của Thủ đô qua các ngành nghề và dịch vụ trong những năm đầu sau giải phóng.