Đặt sự nghiệp lên trước
Với thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ Z (gen Z), quan niệm về hôn nhân có sự khác biệt và cởi mở hơn rất nhiều. Họ dành thời gian để theo đuổi đam mê, phát triển bản thân, tận hưởng sự tự do cùng bạn bè và không quá đặt nặng vấn đề kết hôn.
Ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản
Theo chia sẻ của BS.Trung, khi bỏ lỡ "thời điểm vàng" của sinh sản, việc mang thai tự nhiên sẽ trở nên khó khăn hơn. Lúc này, người phụ nữ sẽ phải tìm đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản và đối mặt với nhiều vấn đề về tài chính, sức khỏe và thời gian.
Hơn nữa, những phụ nữ mang thai ở tuổi trên 35, thậm chí trên 40 cũng sẽ có nguy cơ cao hơn nhiều về các bệnh lý trong thai kỳ như đái tháo đường, tăng huyết áp, sản giật, tiền sản giật và nguy cơ sinh non.
“Phụ nữ có số lượng trứng cố định và sẽ giảm đi theo thời gian. Lượng trứng bắt đầu suy giảm từ sau 30 tuổi và sẽ giảm rất nhanh sau 35 tuổi. Sau 40-45 tuổi, lượng trứng trở nên rất ít khiến việc sinh sản trở nên khó khăn”, vị Trưởng khoa khám bệnh cho biết.
Do đó, theo BS.Trung, thời điểm tốt nhất sinh nở đối với nữ giới là khoảng 25-30 tuổi, khi cơ quan sinh sản, nội tiết và dự trữ buồng trứng đang ở giai đoạn tốt nhất.
“Dưới góc độ bác sĩ điều trị liên quan đến các vấn đề về sinh sản, tôi khuyên phụ nữ không nên sinh con sau 35 tuổi”, BS. Trung nhấn mạnh.
Nhiều hệ lụy khi kết hôn muộn được bác sĩ nêu ra.
Còn đối với nam giới, tình hình cũng không quá khác biệt. Mặc dù sức khỏe sinh sản của nam giới giảm theo thời gian nhưng mức độ giảm chậm hơn so với phụ nữ. Tuy nhiên, BS. Trung vẫn khuyến cáo rằng nam giới trong độ tuổi sinh sản tốt nhất là trước 40 tuổi, khi đó chất lượng tinh trùng vẫn đảm bảo.
Việc kết hôn và sinh con muộn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà còn có thể gây khó khăn trong việc thụ thai và tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và con. BS.Trung đưa lời khuyên cả nam và nữ nên cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, nên cân nhắc kết hôn và sinh con sớm hơn, đặc biệt là phụ nữ.
“Nếu có ý định kết hôn, phụ nữ nên kết hôn và sinh con trước 30 tuổi, còn con thứ hai có thể sinh sau 4-5 năm”, BS.Trung nói.
Dù việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, vị bác sĩ vẫn khuyên cả nam và nữ cần lên kế hoạch và cân nhắc kỹ lưỡng. Việc này không chỉ giúp đảm bảo sự nghiệp phát triển mà còn có thể mang lại cho họ một gia đình hạnh phúc.
Báo động tốc độ già hoá dân số
Ngoài những hệ lụy mà BS. Trung nêu ra thì xu hướng người trẻ ngại cưới, tức không muốn kết hôn, kết hôn muộn… có thể dẫn đến hệ lụy là Việt Nam đối diện nguy cơ dân số suy giảm, và hậu quả lớn nhất là già hóa dân số.
Trong văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Sự thành công của công tác dân số đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những thành công của công tác dân số, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và tình trạng mất cân đối giới tính khi sinh đang gia tăng.
Theo dự báo của Cục Dân số, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có dân số già, tức người 60 tuổi trở lên chiếm 20%. Đến năm 2050 Việt Nam có thể sẽ có dân số siêu già, nghĩa là người cao tuổi chiếm đến 35%. Từ đó, kéo theo tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước.
Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật Dân số nhằm đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong thời tình hình mới.
Trước đó, hồi tháng 5/2024, Quốc hội thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế-xã hội, các ĐBQH đã quan tâm đến vấn đề về già hóa dân số hay tỉ lệ sinh của Việt Nam đang ở mức rất thấp, tình trạng giới trẻ sợ sinh con...
ĐBQH Trần Kim Yến (đoàn Tp.HCM) nhìn nhận Việt Nam đang có tốc độ già hoá dân số rất nhanh. Đây là điều rất đáng báo động.
Theo bà Yến, chúng ta có thể chưa nhìn thấy ngay tác động của các chính sách, mà phải đến 18 năm sau mới thấy rõ. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ cần có những chính sách để thay đổi suy nghĩ của người dân trong việc sinh đủ con.
Bà Yến cũng cho rằng đôi khi thu nhập của cha mẹ không đủ trang trải cho các chi phí để nuôi, chăm sóc cho một trẻ. Bên cạnh vấn đề về thu nhập, giáo dục thì một nguyên nhân khác cũng được đặt ra là tình trạng sợ sinh… Do vậy, đại biểu cho rằng rất cần một báo cáo đưa ra những giải pháp tổng thể hơn từ Chính phủ để giải quyết vấn đề này ngay từ bây giờ.
"Hiện nay đang có xu hướng lớp trẻ không lập gia đình, lập gia đình nhưng không sinh con, thậm chí nuôi thú cưng để làm niềm vui trong cuộc sống”, bà Trần Kim Yến nói và cho rằng cần sớm có giải pháp để giải quyết tình trạng này để ngăn chặn tốc độ già hoá dân số như bài học của một số nước đang diễn ra.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Theo đó, các địa phương cần phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con, không kết hôn muộn, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...
Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng cần nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Các đoàn thể tham gia hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình…
Kim Thoa - Hoàng Bích