Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, đại diện BIDV: “Các NHTM có thể đối diện rủi ro quốc tế hoá áp lực khi chưa kịp quốc tế hoá năng lực”

Khi hoạt động tại trung tâm tài chính quốc tế, các ngân hàng Việt Nam có thể phải đối diện với áp lực cạnh tranh với các định chế lớn trên thế giới, nhưng chưa chuẩn bị đủ năng lực cần thiết để cạnh tranh.

Tại hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế và vai trò của hệ thống ngân hàng trong xây dựng trung tâm tài chính" tổ chức ngày 16/4/2025, bà Trương Thị Thu Ba, Phó giám đốc Ban Định chế tài chính tại BIDV đã đại diện trình bày góc nhìn của BIDV trước những cơ hội, thách thức mà việc xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam đã đặt ra với các ngân hàng thương mại trong nước.

Theo bà Trương Thị Thu Ba, để vận hành một trung tâm tài chính quốc tế, đòi hỏi đáp ứng nhiều điều kiện: Đầu tiên là khung pháp thể chế, pháp lý minh bạch ổn định, có tính tương thích quốc tế cao. Bên cạnh đó là hạ tầng vật lý - công nghệ hiện đại; dịch vụ tài chính tích hợp và hiện đại cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời, bà Ba cũng khẳng định, việc thành lập trung tâm tài chính mang lại những cơ hội cho các ngân hàng thương mại Việt Nam như thu hút dòng vốn quốc tế và tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp; mở rộng thị trường và nâng cấp hệ sinh thái dịch vụ tài chính, chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế; nâng cao tín nhiệm và khả năng huy động vốn, tăng tốc chuyển đổi số và định hình ngân hàng nền tảng.

Tuy nhiên, đi cùng cơ hội là những thách thức, và một trong số đó là áp lực cạnh tranh đa tầng với các định chế tài chính quốc tế.

"Hiện nay, BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, 108 tỷ USD, nhưng cũng chỉ bằng 1/60 ngân hàng lớn nhất thế giới hiện nay là CIMC. Sự khác biệt này không chỉ là sự khác biệt về con số, mà còn là sự khác biệt về nguồn lực, trình độ, kinh nghiệm cũng như độ sâu tài chính. Khi cùng hoạt động trong một hành lang pháp lý, sự khác biệt này sẽ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết nếu các ngân hàng không có sự chuẩn bị, các cơ quan quản lý không có lộ trình thích ứng. Các ngân hàng Việt hoặc là cạnh tranh để tồn tại, hoặc là "hi sinh" ngay trên sân nhà", bà Ba cho hay.

Bên cạnh vấn đề quy mô tài sản, nguồn vốn, bà Ba cũng chỉ ra khoảng trống về hạ tầng dữ liệu, công nghệ và tích hợp số: "Hạ tầng dữ liệu của Việt Nam còn yếu, có khoảng cách lớn với thế giới. Ngoài ra, hạ tầng kết nối thanh toán xuyên biên giới của chúng ta cũng chưa mạnh bằng các nước. Những vấn đề này rất cần vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý".

Một thách thức khác mà theo bà Ba gọi là "Rủi ro quốc tế hoá về áp lực nhưng chưa chưa đủ quốc tế hoá về năng lực". Tức là chúng ta có áp lực phải cạnh tranh với các định chế lớn trên thế giới, nhưng chưa chuẩn bị đủ năng lực cạnh tranh. Vấn đề này không chỉ đặt ra với các ngân hàng thương mại mà còn với cơ quan quản lý, làm sao để sớm nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường quốc tế.

Trên cơ sở phân tích những cơ hội và thách thức trên, đại diện BIDV gợi ý mô hình trung tâm tài chính mới nên tập trung vào các thế mạnh của Việt Nam như lực lượng lao động trẻ, giỏi toán, có khả năng cung cấp các dịch vụ tài chính với chi phí chỉ bằng 30-40% so với Singapore hoặc Hong Kong.

Đồng thời, Việt Nam có thể tham khảo mô hình trung tâm tài chính Gift City của Ấn Độ vì quốc gia này có mức độ phát triển kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực tương đồng với Việt Nam. Dù mới thành lập được 10 năm nhưng Gift City đã đã thu hút 450 định chế tài chính đến đầu tư. Khác với nhiều nơi trên thế giới, Gift City hoạt động như một trung tâm tài chính chuyên biệt, tương đồng 1 sandbox thử nghiệm, nơi các định chế quốc tế hoạt động dưới cùng 1 hành lang pháp lý.

Bà Ba cũng đề xuất các giải pháp thích ứng và cạnh tranh cho các ngân hàng thương mại như cung cấp dịch vụ cho trung tâm tài chính quốc tế mà ngân hàng có thế mạnh, nâng cao năng lực quản trị, số hoá,...